Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục cảm thụ thẩm mỹ cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Những hoạt động VHVN được tổ chức thường xuyên sẽ giúp định hướng năng lực cảm thụ các giá trị thẩm mỹ của HS THPT
Cảm thụ thẩm mỹ xét cho cùng là hoạt động tâm lý đặc thù của con người, là quá trình chuyển hóa những nội dung mang ý nghĩa xã hội từ đối tượng (khách thể) vào ý thức thẩm mỹ của chủ thể nhằm mang lại khoái cảm thẩm mỹ. Qua đó kích thích khả năng thưởng thức và sáng tạo thẩm mỹ cho chủ thể.
Năng lực cảm thụ thẩm mỹ chiếm giữ một vị trí đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh (HS) trung học phổ thông (THPT). Từ mục tiêu giáo dục đến nhận thức thực tiễn giáo dục ở bậc THPT cho thấy một thực tế rằng, đa phần lứa tuổi HS THPT đều có ước muốn, khát khao chinh phục, khám phá, sáng tạo nên cái đẹp, chiếm lĩnh những giá trị thẩm mỹ. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận HS còn nhận thức, hành động lệch lạc, phản thẩm mỹ đi ngược lại mục tiêu giáo dục mà xã hội đang hướng tới. Xuất phát từ thực tiễn ấy, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp để giáo dục năng lực thẩm mỹ cho HS THPT.
1. Ở lứa tuổi THPT, các em dù chưa thực sự trở thành người lớn nhưng có những chuyển biến mạnh mẽ và thay đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là việc hình thành và phát triển của sự tự ý thức. Nó đem đến cho HS những tri giác, cảm nhận về đặc điểm cơ thể, cử chỉ, thái độ, cách hành xử, nghĩa là các em bước đầu quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ của bản thân và của thế giới xung quanh. Ngay tại trường học, việc thực hiện trang phục, lễ phục và nghi thức học đường như đồng phục, bảng tên, sinh hoạt trong giờ học… đúng quy định cũng là những biểu hiện của việc các em đã bộc lộ xu hướng vươn đến sự thẩm mỹ cho bản thân và nhà trường. Tuy nhiên, sự thiếu chín chắn và non nớt trong nhận thức khiến lứa tuổi các em có chiều hướng “đánh giá thấp cái tích cực, tập trung phê phán cái tiêu cực; hoặc là đánh giá quá cao nhân cách của mình, tỏ ra tự cao, coi thường người khác”. Do đó, năng lực thẩm mỹ của một bộ phận HS có sự thiên lệch theo hướng tiêu cực với những biểu hiện: các em tiếp nhận nghệ thuật một cách lệch lạc, thiếu cân nhắc, chạy theo những thị hiếu thẩm mỹ tầm thường, không lành mạnh. Năng lực sáng tạo của HS còn hạn chế ở nhiều mặt (không tìm ra được hướng đi đúng cho mình trên con đường khám phá, giải mã các giá trị thẩm mỹ). Những nét đẹp trong lối sống, giao tiếp học đường, giao tiếp xã hội có xu hướng cực đoan hóa so với chuẩn mực giá trị chung của xã hội…
2. Những chiều hướng vận động tích cực, hạn chế trong năng lực cảm thụ thẩm mỹ ở HS THPT là tấm gương phản chiếu về phương pháp, nội dung giáo dục, về yêu cầu không ngừng đổi mới, nâng cao những năng lực thẩm mỹ cho HS. Giáo dục được điều đó phải kết hợp chặt chẽ giữa “nhà trường – gia đình – xã hội” để cùng thực hiện mục tiêu chung, đó là giáo dục sự phát triển toàn diện cho lứa tuổi HS, để khi tiếp cận với cái mới, cái đẹp, cái thẩm mỹ các em có sự nhìn nhận, tiếp thu, đánh giá đúng.
Nhà trường giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục năng lực thẩm mỹ, hình thành và hoàn thiện nhân cách của HS. Bởi vì, nhà trường là nơi các em được thụ hưởng nền giáo dục một cách hệ thống, hoàn chỉnh và toàn diện nhất. Thực hiện chức năng giáo dục thẩm mỹ cho HS, nhà trường cần có kế hoạch quản lý các hoạt động giáo dục thẩm mỹ của HS một cách hài hòa trong kế hoạch hoạt động chung của trường. Thông qua từng môn học và chương trình hoạt động ngoài giờ, nhà trường có kế hoạch chi tiết gắn kết và thực hiện mục tiêu, nội dung thẩm mỹ cần giáo dục. Tuy nhiên, giáo dục là một nghệ thuật đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo linh hoạt ngay cả trong quản lý cho nên việc áp dụng cũng cần được linh hoạt tùy theo đối tượng khối lớp, thời điểm, nhiệm vụ của năm học để điều chỉnh cho hợp lý trong ba năm ở bậc THPT. Ngoài ra, do chưa xây dựng được các môn học đặc thù cho việc giáo dục năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho HS, vì vậy nhà trường nên điều chỉnh theo hướng khai thác ưu thế của một số bộ môn thuộc nhóm ngành KHXH-NV, nghệ thuật sẵn có trong trường. Riêng bộ môn ngữ văn, với đặc trưng ngôn ngữ, hình ảnh có khả năng gây nên những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc, tác dụng đến sự cảm thụ của đại bộ phận HS vì thế phải được quan tâm đúng mức; môn GDCD luôn hướng HS đến cái chân, thiện, mỹ cũng không ngừng được chú trọng tránh quan điểm truyền thống coi đó là môn học phụ, không cần thiết. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp như hội trại, hội diễn văn nghệ, báo tường, các cuộc thi… phải được nhà trường lồng ghép nhiều hơn nữa nội dung tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ.
Bên cạnh nhà trường, với chức năng là cái nôi nuôi dưỡng, gia đình giữ một vị trí quan trọng không thể thiếu trong việc phối hợp để giáo dục HS. Tuy nhiên, chức năng gia đình không đơn thuần “chỉ biết nuôi con một cách khoa học để chúng được khỏe mạnh và thông minh” mà phải phát huy hết vai trò của mình nhằm nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ khi mà khả năng ở lứa tuổi HS THPT đang có vấn đề. Gia đình phải tạo nên tâm lý và làm nền tảng vững chắc cho các em, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của bản thân các em để chúng có điều kiện quan tâm, tìm đến các giá trị thẩm mỹ. Đồng thời, cha mẹ và những người thân trong gia đình cũng chính là những người quan trọng nhất định hướng con đường cảm nhận giá trị thẩm mỹ của con em mình. Thực tế cho thấy rằng, yếu tố gia đình và mức độ quan tâm của gia đình đến khả năng cảm thụ thẩm mỹ của HS thúc đẩy nhanh chiều hướng vận động theo hướng tích cực hay tiêu cực trong cách cảm nhận các giá trị thẩm mỹ của HS.
Giáo dục thẩm mỹ là hoạt động mang tính xã hội cao vì thế giáo dục không chỉ bao gồm nhà trường, gia đình mà cần phải huy động sự hưởng ứng của cả xã hội. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng năng lực cảm thụ thẩm mỹ phụ thuộc rất lớn vào bản thân HS nhưng nó lại nảy nở và phát triển trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, chịu sự thụ hưởng của xã hội.
3. Nhìn về thực trạng và năng lực cảm thụ trước các giá trị thẩm mỹ của HS THPT chúng ta càng nhận thức rõ được vị trí và tầm quan trọng của việc phát huy, giáo dục năng lực thẩm mỹ cho HS. Những nhà giáo dục, phụ huynh, xã hội với những trách nhiệm và vai trò quan trọng của mình đối với quá trình hình thành năng lực cảm thụ thẩm mỹ của HS phải không ngừng chăm lo phối kết hợp với nhau trong việc thực hiện trọng trách giáo dục. Thực hiện được những giải pháp đó chính là đã góp phần giáo dục toàn diện đối với HS THPT, một nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà trường tiên tiến, chất lượng cao thời kỳ hội nhập.
Ngô Thị Hường – Nguyễn Văn Sang
(Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng)

Giáo dục là một nghệ thuật đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo linh hoạt ngay cả trong quản lý cho nên việc áp dụng cũng cần được linh hoạt tùy theo đối tượng khối lớp, thời điểm, nhiệm vụ của năm học để điều chỉnh cho hợp lý trong ba năm ở bậc THPT.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)