Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Quản lý bằng nguyên tắc hành chính

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với các hoạt động vui chơi của học sinh, người hiệu trưởng không nên đứng-ngoài-cuộc, nhưng cũng đừng “giành” công việc của cấp dưới. Ảnh: Trọng Tri
Trong đề thi NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đưa ra hai hình ảnh của người hiệu trưởng tiêu biểu, đại diện cho các vị hiệu trưởng đang đương nhiệm trong cả nước, cùng một mục tiêu hoàn thành chủ đề năm học một cách tốt nhất.
Hai người hiệu trưởng này có phong cách và thái độ làm việc khác nhau nhưng đều với mong muốn, thông qua việc làm và kết quả công việc mình được hãnh diện, nổi bật trong tập thể đội ngũ sư phạm nhà trường, được mọi người phong cho là người hiệu trưởng toàn năng.
Tuy nhiên, cách làm việc của hai hiệu trưởng này cũng nhận được nhiều lời khen, nhưng cũng có không ít lời chê bai.
1. Ông hiệu trưởng A nổi tiếng hăng hái, nhiệt tình nhưng khó tính, luôn quán xuyến mọi chuyện trong nhà trường: từ chuyện thường xuyên thăm lớp, dự giờ đến chuyện đôn đốc, hò hét HS chỉnh đốn hàng ngũ trước giờ chào cờ, rồi các hoạt động văn – thể – mỹ… Lúc nào ông cũng là người tham gia tích cực với vai trò vừa thiết kế vừa thi công, vừa đạo diễn vừa là nhân vật chính.
Theo tôi, ông hiệu trưởng này cũng có tố chất tốt đó là tham gia mọi hoạt động trong nhà trường một cách tích cực hết mình và không ngại khó khăn, nhưng ông thích dùng nguyên tắc hành chính để điều hành công việc. Ông thường xuyên dự giờ giáo viên để góp ý, đánh giá tiết dạy của họ, thử hỏi ông làm thường xuyên như thế có quá khắt khe không? Chưa nói ông vốn xuất thân là giáo viên ngoại ngữ thì có nắm hết nội dung, chương trình hay đặc trưng của các bộ môn học khác không? Nếu nắm không vững khi góp ý giáo viên chất vấn lại, lúc đó ông trả lời không thông suốt thì uy tín sẽ bị giảm sút. Bởi vậy, tôi thấy ông áp dụng nguyên tắc hành chính quá máy móc và khắt khe với mọi người, nên chăng ông cũng cần xen chút tình cảm khi giải quyết công việc để không khí trong nhà trường không ảm đạm, u ám, khô khan – bởi vì ông gần như là người vô cảm nên ít ai dám gần.
2. Ông hiệu trưởng B có phong cách giải quyết các công việc trong nhà trường bằng nguyên tắc tập trung dân chủ, việc to việc nhỏ đều quản lý bằng sổ sách và kế hoạch – ông giao việc cho các bộ phận trong trường phụ trách và phân định trách nhiệm cho họ với các công việc một cách rạch ròi. Tuy nhiên có người cho là ông này còn quan liêu thiếu sâu sát, nhưng theo ý kiến của tôi, mọi người nhận xét như vậy là đúng, bởi ông không thật sự sâu sát khi chưa kiểm tra những công việc đã giao cho các bộ phận thực hiện. Ngoài ra, ông quan liêu đến độ không chịu để mắt nhìn HS có chịu tập trung sau hiệu lệnh chào cờ để nhắc nhở giáo viên nhanh chóng hỗ trợ ổn định chỗ ngồi, đợi đến khi tổng phụ trách Đội ổn định xong rồi giới thiệu ông mới trịnh trọng bước ra.
Biết rằng trong quản lý giáo dục người hiệu trưởng có nhiều biện pháp và nguyên tắc làm việc để mang về thành tích cho đơn vị, nhưng ông này quá tin tưởng đội ngũ, quản lý nhân sự, chuyên môn… bằng sổ sách và ngồi bàn giấy thì khó có thành công cao, vì ông không nghe được các thông tin phản hồi trong đơn vị. Tôi khuyên ông phải mạnh dạn áp dụng nguyên tắc hành chính, như vậy nhà trường sẽ có nền nếp; ông cần thường xuyên kiểm tra, khi khen thưởng hay chê trách ai thì phải đúng người, đúng việc tránh vì vị nể mà thành tích cá nhân của mọi người cào bằng như “cá mè một lứa” thì làm sao được khen là người hiệu trưởng toàn năng.
3. Để góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề năm học này “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, người hiệu trưởng phải biết kết hợp phong cách ông hiệu trưởng A – nghĩa là biết quan tâm đến việc dạy của giáo viên, quán xuyến và bám sát các hoạt động diễn ra trong nhà trường cộng với phong cách làm việc của ông hiệu trưởng B – nghĩa là quản lý bằng sổ sách, kế hoạch, biết mạnh dạn giao việc để phát huy tính tích cực của giáo viên vì họ dám chịu trách nhiệm với công việc được giao.
Nhưng dù có thế nào thì mỗi khi áp dụng nguyên tắc hành chính trong nhà trường người hiệu trưởng nên tránh đừng nóng vội, máy móc; cái gì cũng đem công văn, quy chế, điều lệ ra áp dụng mỗi khi cán bộ, giáo viên, công nhân viên mắc phải khuyết điểm mà phải giải quyết sự việc trên cơ sở nguyên tắc hành chính, đôi lúc cần phải có chút tình người xen vào. Như vậy sự việc vừa có tình vừa có lý, làm được như vậy có khi người hiệu trưởng nhận được sự thông cảm, nể phục của mọi người, lúc đó mình có thể hãnh diện với cụm từ “người hiệu trưởng toàn năng” mà mọi người ban tặng.
TRẦN VÂN HÀN 
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)