Rất nhiều lỗi về nội dung kiến thức lẫn kỹ thuật biên soạn được phát hiện trong “Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên về biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn cấp THCS” của Bộ GD-ĐT.
Từ ngày 10 đến 15-1, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn về biên soạn đề kiểm tra các môn học ở bậc THCS và THPT cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của 22 tỉnh, thành phía Nam. Nhưng riêng 6 buổi tập huấn môn ngữ văn đã tỏ ra không hiệu quả khi “Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên về biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn cấp THCS” của Bộ GD-ĐT có quá nhiều sai sót, nhiều học viên đã không dự hết đợt tập huấn vì thấy chán.
Theo nhiều cán bộ được tập huấn, “Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên về biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn cấp THCS” có quá nhiều lỗi
Lý thuyết và bài tập“đá” nhau
Nhiều cán bộ giáo dục dự đợt tập huấn cho biết tài liệu tập huấn có những lỗi hết sức cơ bản về kỹ thuật biên soạn đề kiểm tra. Cụ thể, ở trang 20, tài liệu yêu cầu khi soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan không nên đưa ra phương án “Tất cả các đáp án trên đều đúng” hoặc “không có phương án nào đúng” thế nhưng, ở các trang 79, 80, 82, các đề mẫu của Bộ GD-ĐT lại có những phương án này.
Tài liệu của Bộ GD-ĐT yêu cầu: Từ ngữ, cấu trúc của câu hỏi phải rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi học sinh. Thế nhưng, tài liệu lại có nhiều cách diễn đạt rối rắm như ở trang 79 (câu 1, 5), trang 80 (câu 6, 8). Cụ thể, câu hỏi số 6 trang 80 gây khó hiểu: Đọc những câu thơ sau và trả lời câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu thông tin không đúng: Anh đội viên mơ màng/Như nằm trong giấc mộng/Bóng Bác cao lồng lộng/Ấm hơn ngọn lửa hồng/Thổn thức cả nỗi lòng/Thầm thì anh hỏi nhỏ… Tâm trạng của anh đội viên được thể hiện qua những câu thơ trên như thế nào? A. Xúc động mãnh liệt/ B. Xao xuyến, lâng lâng/ C. Lo lắng đến nôn nao/ D. Bình tâm, ngủ ngon giấc.
Đặc biệt, trọng tâm của đợt tập huấn này là hướng dẫn giáo viên thiết lập khung ma trận đề kiểm tra. Một trong nhiều tác dụng của khung ma trận là “tính tổng số điểm và tổng số câu hỏi cho mỗi cột”. Thế nhưng, nhiều đề mẫu trong tài liệu lại có số câu không khớp với số câu của khung ma trận. Cụ thể: Đề số 1 (trang 42) khung ma trận có 12 câu nhưng đề kiểm tra chỉ có 8 câu hay ở đề số 1 (trang 54) khung ma trận có 11 câu nhưng đề kiểm tra chỉ có 6 câu…
Sai nội dung lẫn kiến thức
Có nhiều sai sót về chấm điểm trong đề mẫu kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn lớp 9 (trang 45 của tài liệu). Cụ thể, câu 1 đáp án xác định sai ngôi kể trong đoạn văn, câu 3 sai biện pháp tu từ, câu 4 sai tác dụng của dấu “…” cuối câu văn, câu 6 sai yếu tố miêu tả. Ví dụ, câu 3 đáp án của tài liệu yêu cầu “Chép đúng các từ ngữ thể hiện biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn: “Anh nào dám ho he, hóc hách một tí thì chúng nó tìm cách để hại, cắt phần ruộng, truất ngôi, trừ ngoại, tống ra khỏi làng…”. Câu trả lời đúng phải là biện pháp tu từ tăng cấp và không được gạch chân những từ “ho he, hóc hách”. Nghiêm trọng hơn, câu 8 (trang 46) của đề này (một bài tập làm văn chiếm 6/10 điểm) yêu cầu học sinh phải “Biết làm bài văn nghị luận văn học về một nhân vật trong tác phẩm văn học”, trong khi kiểu bài này lại được dạy ở tuần 22, học kỳ 2!
Phần cuối của tài liệu chỉ đạo “Toàn bộ tài liệu mà Bộ GD-ĐT đã trang bị cho học viên là những tài liệu để tập huấn”, “Nội dung và hình thức tập huấn ở các địa phương cần tiến hành như bộ đã tập huấn cho giáo viên cốt cán”. Tuy nhiên, với bộ tài liệu bồi dưỡng nhan nhản những lỗi sai như đã phân tích, liệu các học viên đã được tập huấn có dám tập huấn lại cho giáo viên ở địa phương?
Bài và ảnh: Huy Lân / NLĐ
Bình luận (0)