Đối với ngành GD-ĐT, việc làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục trở thành vấn đề cấp thiết. Tất nhiên chất lượng phải là chất lượng thật chứ không phải là những con số đẹp khi tổng kết năm học trong khi kiến thức trong đầu học sinh (HS) vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục là sĩ số lớp học. Hiện nay, theo quy định của ngành thì sĩ số HS ở bậc học THCS là 45 em/lớp. Quy định này rõ ràng chỉ phù hợp ở thời điểm trước đây khi mà giáo viên (GV) tại các trường còn thiếu (bởi nếu không phân mỗi lớp số HS như vậy thì làm sao đủ GV dạy). Bây giờ rất nhiều trường dư GV, thậm chí có trường dư nhiều đến nỗi chỉ phân công GV dạy mỗi tuần khoảng 14 hay 15 tiết thì sự “nhồi nhét” HS với số đông cho một lớp học quả là điều bất hợp lý.
Ai cũng biết khi GV dạy một lớp học với sĩ số 30 HS thì chất lượng sẽ cao hơn là dạy một lớp có 45 HS, vì GV có thể quản lý các em dễ dàng hơn. Số HS ít, thì số lần các em phải bị kiểm tra bài cũ cũng nhiều hơn và khi đó GV có thời gian để dạy kỹ hơn cho các em yếu kém. Rất nhiều GV than rằng khi dạy HS lớp 8 hay lớp 9 mà sĩ số lớp học trên 40 em thì vừa bước vào lớp là đã thấy “ngộp” vì các em ngồi rất chật chội. Chỉ cần mỗi em nói chuyện nhỏ là lớp học sẽ ồn ào và GV phải mất thời gian ổn định thì mới dạy được. Có khi trong suốt học kì, GV cố gắng lắm mới gọi giáp được mỗi em kiểm tra bài cũ một lần. Nhiều HS biết việc này nên sinh ra lười học vì nghĩ ít khi thầy cô gọi mình trả bài hay lên bảng làm bài tập. Đó là chưa kể khi sĩ số lớp đông thì HS dễ dàng quay cóp khi làm bài kiểm tra. Lúc ấy điểm kiểm tra không phản ánh chính xác chất lượng học tập của HS, chất lượng ấy chỉ là chất lượng ảo mà thời gian gần đây được xem là bệnh thành tích đang được ngành giáo dục ra sức bài trừ.
Qua những phân tích trên cho thấy muốn nâng chất lượng giáo dục thì cần giảm sĩ số HS cho tất cả các bậc học. Thật là nghịch lý khi có nhiều trường dư GV nhưng lại phân các lớp học đều có sĩ số cao. Sau đó thấy HS học sa sút lại tiến hành cho GV dạy phụ đạo. Cuối cùng, chất lượng giáo dục cũng không nâng lên bao nhiêu.
Nguyễn Thanh Dũng
(GV THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
Bình luận (0)