Theo quy chế về trường ĐH tư thục thì hệ thống trường này có địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền lợi như các trường ĐH công lập. Thế nhưng thực tế không phải như vậy.
Vướng giải tỏa, đền bù
Nghị định 69 của Chính phủ ban hành ngày 30.5.2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa, trong đó có lĩnh vực giáo dục đã quy định: “Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng”. Tuy nhiên trên thực tế, cho đến nay chính sách này chưa được thực thi. Hầu hết các trường ngoài công lập (NCL) đều phải tự xoay xở lo đất để xây dựng trường; tự bỏ tiền để đền bù, giải tỏa. Kinh phí dành cho việc này rất lớn nên nhiều trường khó có khả năng đầu tư để đảm bảo chất lượng.
Năm 2010, nhiều trường NCL sau khi xét xong nguyện vọng 3 vẫn không có đủ thí sinh nên phải đóng cửa một số ngành học – Ảnh: Đ.N.T
Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng – Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: “Rất nhiều trường NCL đang vướng mắc ở khâu này. Đất đã được giao nhưng là đất chưa được giải tỏa, các trường phải làm việc này. Thêm vào đó, mức phí giải tỏa lại chậm ban hành khiến các trường phải dừng lại chờ. Đó là lý do mà nhiều năm nay dù rất muốn nhưng trường cũng vẫn chưa có một cơ sở học tập đúng nghĩa của riêng mình”. PGS Lê Văn Lý – Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương TP.HCM bức xúc: “Trường cũng bị vướng mắc quá nhiều với thủ tục đất đai. Đất tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) mãi vẫn chưa có giá đền bù để giải tỏa. Đất của trường thuê lâu dài tại đường Nguyễn Trãi (Q.5) phải 2 năm mới xong thủ tục”.
Chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục còn cho phép các trường được vay vốn ưu đãi nhưng trên thực tế hầu như chưa có trường nào được vay. Ngược lại, các trường còn bị đánh thuế không khác gì một doanh nghiệp. GS Trần Hữu Nghị – Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng than thở: “Trường NCL như chúng tôi còn bị đánh thuế giá trị gia tăng cả chỗ ở cho sinh viên (SV). Đến vé xe đạp, xe máy của SV cũng bị chịu thuế giá trị gia tăng. Việc đánh thuế như thế đã làm cho SV các trường NCL phải chịu thiệt thòi và gây ra sự mất công bằng”.
Ngậm ngùi phận ngoài công lập
Trả lời chất vấn đại biểu quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: "Bộ GD – ĐT không có phân biệt đối xử giữa các trường ĐH, CĐ công lập và NCL". Thế nhưng trên thực tế không hẳn như vậy.
GS Trần Hữu Nghị cũng bày tỏ: “Suốt mấy chục năm qua, Bộ GD-ĐT hầu như không quan tâm đến việc đào tạo giảng viên cho các trường NCL. Gần đây giảng viên của các trường NCL mới được tham gia vào Đề án 322 (có từ năm 2000) để cử giảng viên đi đào tạo nước ngoài theo học bổng của Nhà nước. Nhưng để có được 1 suất học bổng cũng không dễ chút nào”.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng thường trực trường CĐ Bách Việt, tâm tư: “Với các chương trình đào tạo bồi dưỡng bằng ngân sách nhà nước, cán bộ giảng viên của các trường công lập luôn được ưu tiên xét trước. Trường NCL phải bỏ tiền túi để cán bộ giảng viên của mình được đi học. Lực lượng cán bộ giảng dạy đều là những người làm công việc giống nhau là phục vụ sự nghiệp giáo dục của xã hội”. Theo thạc sĩ Thành, sự phân biệt đối xử thể hiện ngay trên các văn bản hướng dẫn của Bộ vì hầu hết các văn bản liên quan chủ yếu dành cho các trường công lập, mà không hề nói đến các trường NCL.
Không chỉ có phân biệt đối xử khi đào tạo giảng viên, với các chương trình mục tiêu dự án quốc gia, trường NCL cũng ít được tham gia. Tiến sĩ Trần Hành, Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) thẳng thắn: “Không có nghị quyết hoặc văn bản nào của Nhà nước nói phân biệt trường ĐH công hay trường NCL nhưng hành động thực tế là có sự đối xử thiếu công bằng. Trường ĐH Lạc Hồng đã có hoạt động nghiên cứu khoa học 8 năm nay, mỗi năm hai lần tổ chức phát động và tổng kết các công trình nghiên cứu đã thực hiện được. Dù đã có thành tích trong nghiên cứu nhưng khi đấu thầu các đề tài cấp nhà nước thì trường chưa bao giờ được sờ tới”.
Tiến sĩ Cao Văn Phường, Hiệu trưởng trường ĐH Bình Dương, nêu quan điểm: “Về mục tiêu, các loại hình ĐH này không khác nhau, đó là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Về chương trình, nội dung phương pháp đào tạo cũng không có gì khác nhau theo quy định chung của Nhà nước (có thể có khác nhau trong phân cấp đào tạo). Về tổ chức bộ máy, trên tổng thể cũng không khác nhau. Vậy nguồn nhân lực ở các ĐH này phải được đối xử như nhau”.
Sự thiếu công bằng thể hiện rõ nhất qua công tác tuyển sinh. GS Trần Hữu Nghị cho biết: “Trong khi trường công lập đã quá tải nhưng Bộ vẫn cho tuyển sinh hệ ngoài ngân sách. Đó thực chất là hệ NCL trong trường công, như vậy thì làm sao các trường NCL còn tuyển sinh được? Điều đó khiến các trường NCL bị cạnh tranh không lành mạnh, không cân sức”. Không chỉ có vậy, việc giao chỉ tiêu cũng không công bằng. Ông Nguyễn Xuân Phong, Hiệu phó trường ĐH FPT tâm tư: “Các trường công được Nhà nước cấp kinh phí thì việc giao chỉ tiêu phải căn cứ vào tiêu chí này. Còn các trường NCL phải căn cứ trên nhu cầu của thị trường và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Thế nhưng dường như Bộ GD-ĐT vẫn không quan tâm đến yếu tố này mà khống chế chỉ tiêu trường NCL như trường công. Vì vậy có khi chỉ tiêu các trường NCL đề xuất (dựa trên các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định) nhưng vẫn bị cắt đi không rõ lý do”.
Cũng cần được tôn vinh
Thực tế không ít các trường NCL dùng toàn bộ tài sản tích lũy và vốn huy động, vượt qua vô vàn khó khăn, xây dựng trường sở, xây dựng nền nếp dạy và học. Xã hội biết tôn vinh các doanh nhân ngoài quốc doanh thành đạt. Cũng xứng đáng nhưng xã hội chưa biết tôn vinh thậm chí còn vô cảm và định kiến với các nhà làm giáo dục NCL dù không ít công lao.
GS Trần Hồng Quân
Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL (Trích ý kiến trên website www.giaoducvietnam.vn) Đừng dựa vào “lý lịch”
Cũng có một thực tế là thời gian vừa qua các trường NCL xuất hiện hơi ồ ạt và có nhiều trường chưa đủ điều kiện mà đã ra đời. Nhưng nói cho công bằng, khiếm khuyết ở một cơ sở giáo dục thì xuất hiện cả ở trường công hay tư chứ không chỉ nằm riêng ở một loại hình nào. Trong khi đó, người ta nói về những điều chưa tốt ở trường tư nhiều hơn ở trường công. Đó là điều không hợp lý và không công bằng. Một trường tốt hay không không phụ thuộc vào công hay tư mà vào nhiều yếu tố: tầm nhìn và sứ mạng, mục tiêu sư phạm, chiến lược phát triển, đáp ứng được mong mỏi của quần chúng… Trong sự đánh giá để giao quyền tự chủ cho các trường thì đừng phân biệt công – tư, trường đó thành lập lâu hay mau. Hãy kiểm tra trên sự kiện chứ không phải trên lý lịch.
Gần đây mọi thứ đã chuyển biến rất nhiều. Ít nhất là về mặt văn bản, Nhà nước luôn cố gắng xóa bỏ sự phân biệt công – tư. Nỗ lực lớn hơn nữa là tạo cơ hội được đào tạo cho giảng viên, cấp quản lý ngang bằng với các trường công lập. Hay việc tạo sự công bằng cho SV các trường tư vay tiền học phí. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng
Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen |
Theo Thanh nien
Bình luận (0)