Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phân cấp mạnh, quản lý phải chặt

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quyết định mới nhất của Chính phủ, từ ngày 15.2.2011, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền và chịu trách nhiệm quản lý hành chính theo lãnh thổ đối với trường đại học, cao đẳng (cả công lập và tư thục) trực thuộc các bộ đóng trên địa bàn; ra quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi loại hình trường với các cơ sở thuộc thẩm quyền.

Quyết định trên là bước đột phá trong đổi mới quản lý giáo dục, nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo, trong đó có đào tạo đại học và cao đẳng, mà chất lượng đang là mối quan tâm nhất của xã hội. Từ thực tế việc phân cấp quản lý về kinh tế cho thấy, việc phân cấp về giáo dục – đào tạo nhằm tăng quyền hạn cho cấp tỉnh và thành phố, nếu không có sự quản lý chặt theo tiêu chí chung, rất dễ dẫn tới cát cứ địa phương, chủ trương vĩ mô và quy hoạch tổng thể bị phá vỡ.
Đó là bài học nhỡn tiền về phân cấp cấp phép đầu tư cho các tỉnh, thành phố không kèm theo tiêu chí bắt buộc của trung ương, dẫn tới hàng trăm dự án sân golf được tỉnh, thành phố cấp phép, bất chấp nhu cầu thực tế và quỹ đất nông nghiệp. Nên sau khi được phát hiện, buộc Chính phủ phải đình chỉ hàng loạt dự án sân golf đã được các tỉnh, thành phố cấp phép, gây lãng phí không ít cho khâu lập và phê duyệt dự án và đặt chính quyền cấp tỉnh, thành phố vào tình trạng khó xử, mà cho đến nay vẫn còn một số dự án chưa thu hồi được đất.
Xét về ý nghĩa cực kỳ quan trọng của giáo dục là đào tạo lực lượng lao động có đủ đức, tài cho đất nước, thực chất là đào tạo các thế hệ kế tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội và tính chất phức tạp của giáo dục – đào tạo, thì sự quản lý thống nhất của trung ương về tiêu chí và chất lượng đào tạo càng phải đặt lên hàng đầu.
Bởi bên cạnh những thành tựu to lớn thu được, thì ngành giáo dục – đào tạo nước ta đã và đang có không ít yếu kém và bất cập; mà nổi lên là chất lượng đào tạo đại học và cao đẳng chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng phải đào tạo lại mới sử dụng được còn nhiều, gây lãng phí cho Nhà nước, cho nhân dân và trên thực tế, số lượng đào tạo bị giảm sút do phải thêm thời gian đào tạo lại.
Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và phòng thí nghiệm, trang thiết bị giảng dạy, học tập không đuổi kịp đà tăng tốc của số trường và số sinh viên. Sau 20 năm (1989-2009), số sinh viên tăng lên 13 lần nhưng số giảng viên tăng lên có 3 lần, rút số giảng viên/sinh viên từ 1/6,8 xuống 1/28. 40% số giảng viên chưa có trình độ cao học, tức là vẫn “cơm chấm cơm” ! Chất lượng đào tạo hệ không chính quy còn yếu kém hơn, đến nỗi có HĐND thành phố phải ra nghị quyết là không tuyển dụng người tốt nghiệp đại học tại chức.
Với cơ chế mở như trên, chắc chắn số tỉnh có trường đại học sẽ không dừng lại ở tỉ số 62/63. Từ đó, hình thành 3 cấp đại học: Đại học quốc gia – trung ương, đại học vùng – đại học tỉnh sẽ là thử thách rất lớn về quản lý và đội ngũ quản lý đại học – cao đẳng, nhất là cấp tỉnh, nếu không có tiêu chí và cơ chế quản lý thống nhất.
Đan Tâm / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)