Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Cần nhìn nhận theo nhiều khía cạnh

Tạp Chí Giáo Dục

GV phải luôn gần gũi để hướng dẫn HS những gút mắc khi các em gặp phải trong học tập cũng như trong đời sống tinh thần. Ảnh: P.N.Q
Trong cuộc đời đi dạy, chắc chắn người giáo viên (GV) gặp rất nhiều tình huống khó xử đối với những học sinh (HS) chưa ngoan, mà mọi người gọi là cá biệt. Theo tôi, HS cá biệt có hai loại: Cá biệt về hạnh kiểm và cá biệt về học lực.
Những học HS yếu về mặt đạo đức, có ý thức kỷ luật kém thường kèm theo yếu tố học lực không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp HS ngoan nhưng điểm học lực lại yếu hay HS có hạnh kiểm chưa tốt nhưng lại rất thông minh.
Cá biệt trong học tập
Nhiều người cho rằng, HS chưa ngoan là HS có điểm học lực vào dạng yếu kém do các em không cố gắng học. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng thành tích học tập của HS trên lớp không tốt, thường là do các em bị mất căn bản hoặc vào lớp học không tập trung. Nếu HS bị mất căn bản, có thể học lực của các em ở lớp dưới là học lực yếu, thi lại nếu đủ điểm thì được lên lớp. Khi lên lớp trên, HS không nắm bắt kịp chương trình học với các bạn cùng lớp. Song song với việc mất căn bản là sự mất tập trung chú ý trong lớp học. Thầy giảng bài nhưng HS không nghe giảng mà tâm hồn lại “treo ngược cành cây” khiến các em không thể hiểu bài. Hơn nữa, HS không làm bài hay chuẩn bị bài ở nhà tốt khiến các em cảm thấy quá tải, mệt mỏi và buông xuôi.
Đối với tình hình học tập của HS, GV là người cần phải xem lại cách giảng dạy của mình có phù hợp chưa chứ không nên quy kết mọi lỗi thuộc về HS. Trong trường hợp HS mất tập trung, GV cần xem lại phương pháp giảng dạy của mình có tạo được sự hứng thú, lôi cuốn HS không. Đồng thời, nên liên hệ với gia đình để biết được nguyên nhân mà khắc phục, chẳng hạn như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sinh hoạt hàng ngày của HS trong gia đình… không điều độ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất tập trung khi lên lớp của các em.
Nếu HS bị mất căn bản thì GV phải là người lấp lại những lỗ trống đã bị thiếu hụt trong kiến thức của các em. Một mặt, GV hướng dẫn các em học tập, mặt khác cần tạo môi trường học tập theo hình thức thảo luận nhóm, nhờ những bạn khá giúp các bạn yếu giải quyết bài tập thì các em sẽ tự chủ động để học tập hơn.
Bên cạnh đó, GV cũng nên xem lại số lượng bài tập giao cho HS làm có quá tải không. GV phải cho HS bài trọng điểm và có một thời gian hợp lý để làm bài, đừng vì quá quan trọng môn của mình mà buộc các em không còn thời gian để học các môn khác. 
Cá biệt trong hạnh kiểm
HS chưa ngoan còn thể hiện ở ý thức kỷ luật trong nhà trường, chẳng hạn như thường xuyên đến lớp muộn, nói chuyện riêng, vô lễ với GV, có ngôn ngữ, hành động thiếu tôn trọng bạn bè… Trong những trường hợp này, GV phải hết sức bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Mỗi HS đều có một cuộc sống, một tình cảm riêng. Vì thế, GV nên chịu khó tìm hiểu tâm lý của HS, phải giải quyết được vấn đề là: “Tại sao các em quậy?”. Điều này có thể có nguyên nhân từ phía gia đình.
Tôi thấy có một ý kiến trong diễn đàn này mà tôi rất tâm đắc, đó là “Đằng sau bộ mặt lúc nào cũng câng câng, bất cần đời có phải là một trái tim sắt đá hay không?”. Đúng vậy, các em tỏ thái độ vô lễ trong hành vi của mình cũng có thể do tâm hồn của các em đã bị tổn thương. Bố mẹ ly hôn hay sống chung trong một nhà mà tình cảm lạnh nhạt, hay cãi vã nhau sẽ làm tổn thương đến tâm hồn các em, khiến các em cảm thấy không tin tưởng bất kỳ điều gì, bắt đầu có những thái độ cáu kỉnh và thường có những hành động không hay đối với những người xung quanh. Ngoài ra, sự mất kỷ luật trong gia đình, lối xưng hô thiếu văn hóa của cha mẹ có thể là tấm gương phản chiếu vào lối sống của các em khiến những hành động của các em cũng mất luôn cả kỷ luật trong cộng đồng. Chính vì thế, chúng ta không nên nhìn qua hành động để đánh giá nhân cách của các em mà cần phải biết cảm thông với các em hơn.
Trong nhịp sống xã hội hiện đại, một số phụ huynh rất bận rộn nên ít có thời gian để trao đổi với con cái, vì thế nhiều bậc cha mẹ chưa thực sự là nơi tin cậy để các em giãi bày tâm sự. Từ sự thiếu cảm thông của cha mẹ nên mọi ức chế trong gia đình các em đều ấp ủ trong lòng rồi khi vào trường các em mới bắt đầu bộc lộ suy nghĩ của mình, tranh thủ sử dụng luôn cả giờ học để nói chuyện riêng. Vì thế, trong trường hợp này phụ huynh cần nhìn nhận lại tại sao con lại ít tâm sự với mình để có hướng giải quyết.
Ngoài ra, độ tuổi của các em đang phát triển về mặt tâm sinh lý, vì thế một số em thường thích phô trương, thích thể hiện mình. Tìm hiểu một số nguyên nhân HS gây lộn, đánh nhau, tôi thấy chỉ tập trung ở 3 vấn đề chính là: “Thấy mặt ghét thì đánh, nói xấu nhau hay xích mích trong tình cảm trai gái”. Tất cả những nguyên nhân này, theo tôi nghĩ đều xuất phát từ sự ích kỷ và ganh ghét trong tâm lý đang phát triển của các em. Điều đáng nói là khi xảy ra xung đột, các em không nói cho những người có trách nhiệm mà lại thường tụ tập bạn bè kéo thành băng nhóm để giải quyết vấn đề bằng cách đánh nhau.
Từ thực tế này, tôi thấy một yêu cầu bức thiết là phụ huynh và GV cần phải làm sao để HS tin tưởng tâm sự những vui buồn trong cuộc sống của các em để từ đó định hướng cho các em con đường đi tốt nhất. Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta phải rất khéo léo trong cách giao tiếp với HS, tạo cho các em một niềm tin thì các em mới sẵn sàng chia sẻ được.
Phạm Hùng
(GV môn tiếng Anh Trường THPT Marie Curie)
“Một yêu cầu bức thiết là phụ huynh và GV cần phải làm sao để HS tin tưởng tâm sự những vui buồn trong cuộc sống của các em, để từ đó định hướng cho các em con đường đi tốt nhất” – thầy Phạm Hùng nhấn mạnh.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)