GV không nên quát mắng, chửi rủa nặng lời và không xưng hô “mày, tao” với học sinh trong lớp học. Ảnh: T.L
|
Trong báo cáo sơ kết học kì I năm học 2010-2011 của bậc giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các trường tiểu học trên địa bàn thành phố cần khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Theo đó, đối với việc phân công giáo viên (GV) đầu năm học, ban giám hiệu phải thông báo công khai các yêu cầu để sắp xếp đúng với thực trạng của nhà trường và phù hợp với đặc điểm của từng lớp học. Việc luân chuyển GV được dạy đủ các khối lớp cần phải có quy định cụ thể (thời gian dạy tại 1 khối lớp). Không bố trí 1 GV dạy liên tục 1 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 hoặc GV chỉ dạy mãi 1 khối lớp. Các trường cần sắp xếp thời khóa biểu theo nguyên tắc vì học sinh chứ không phải vì sự thuận lợi cho người lớn. Theo đó, thời khóa biểu phải xem yếu tố thời gian, sức khỏe là quan trọng, để việc tiếp thu các môn học của trẻ được hợp lí giữa nội dung kiến thức và hoạt động giáo dục khác. Ngoài ra, ban giám hiệu luôn nhắc nhở GV phải giữ thái độ sư phạm đối với học sinh, không gay gắt, quát mắng, chửi rủa nặng lời và có lời lẽ hòa nhã, thân thiện với học sinh, không xưng hô “mày, tao” trong lớp học và trong hội đồng nhà trường để đảm bảo tốt cho môi trường sư phạm. Bài soạn giảng cần được rút kinh nghiệm, bổ sung hằng năm, không nhất thiết phải soạn mới, soạn lại ở những bài không bắt buộc; không cho phép GV sao chép hoàn toàn giống nhau, bài soạn cần thể hiện được thực trạng học sinh và đặc điểm riêng của từng lớp.
Đặc biệt, trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, chật hẹp, nhà trường cần luôn quan tâm đến chế độ ăn, ngủ một cách an toàn cho học sinh như nhắc nhở bảo mẫu hướng dẫn, dạy dỗ, giúp đỡ học sinh ngoài giờ học trên lớp. Ngoài ra nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải cung cấp đầy đủ thông tin học sinh cho cha mẹ các em về học tập, hành vi, thái độ.
Trong các buổi họp cha mẹ học sinh, đối với những học sinh cần được gia đình lưu ý, nhắc nhở thì giáo viên chủ nhiệm trao đổi riêng. Không nêu tên học sinh trước buổi họp để chê bai, phê phán làm tổn thương gia đình và chính bản thân học sinh.
P.V
Bình luận (0)