Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy trẻ “làm người”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường cùng phối hợp với gia đình dạy trẻ đạo làm con ở gia đình và làm người với xã hội. Ảnh: H.Triều
Thế hệ người lớn tuổi chúng tôi đều nhớ như in những bài học về giáo dục công dân từ thuở vỡ lòng. Thầy Tử Lộ độn gạo nuôi mẹ. Ông Mẫn Tử Khiêm đốt lò sắc thuốc nuôi mẹ đau làm cháy cả râu. Ông Cạc-Lô tìm về trường thăm thầy và bạn… Và hàng loạt bài nói về nhân cách của con người.
Ngay từ nhỏ dại đã phải rèn luyện sống làm người để lúc trưởng thành có ích cho xã hội. Cha mẹ, thầy cô chúng tôi ngày xưa đã uốn nắn cuộc đời con cái từ nhỏ. Các cụ cho rằng: Con người cũng như cây tre phải uốn nắn từ măng thì sau này cây tre mới thẳng, mới khỏe. Con người cũng vậy, phải uốn nắn từ nhỏ mới có thể thành người.
Đáng tiếc, các thế hệ hiện nay từ cha mẹ, nhà trường lại ít chú ý uốn nắn cháu con thành người. Lớp trẻ thì bị xã hội lôi kéo đưa đẩy mọc nghiêng ngả, cong queo. Và chính họ – lớp trẻ của xã hội – lại không chịu học làm người. Cha mẹ, anh chị phải dành tâm huyết, thì giờ để dạy cháu con từ lúc mới lọt lòng.
1. Ông bà ta thường nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Nghĩa là, từ khi mới lọt lòng, đứa trẻ nào cũng có tính nết riêng. Nhìn rõ từng nết riêng của con để dạy dỗ, uốn nắn. Có đứa mới đẻ đã biết giận hờn. Có bé mới sinh ra đã ưa nói ngọt. Cha mẹ như người uốn cây cảnh, uốn bon-sai, lựa thế lựa chiều đưa đứa trẻ theo con đường phát triển đúng đắn. Lớn lên, khi biết đi nhà trẻ, mẫu giáo điều chú ý cơ bản là dạy làm con, dạy làm học trò nhỏ: Từ cách chào hỏi cha mẹ khi rời nhà, lễ phép với cô khi đến lớp; từ việc ăn uống ở nhà ở lớp, quen với nếp sống tập thể, quen với chén cơm, chén cháo ở nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhường nhịn bạn…. Rèn luyện ngay từ bây giờ cho các cháu dần dần trở thành công dân bình thường của xã hội. Nhiều bà mẹ không chú ý đưa con đến lớp đã cho cháu ăn các thứ đồ ăn nhà giàu, cách xa với món ăn của lớp, đem đồ chơi quý giá, sang trọng vào lớp… Việc làm nhỏ ấy dã làm cho các cháu trở thành “quý tộc” ngay từ bước đi chưa vững vàng. Từ chỗ đứng này, cháu sẽ trở thành “quan” ngay từ nhỏ. Nên về sau dù chúng có làm “quan” thì nếp sống này chẳng có ích gì – bởi ngoài ăn chơi, “quan” phải có những đức tính tốt khác. Không may, cháu không được làm “quan” sẽ trở thành người khác tính nết trong cuộc đời.
2. Bước vào trường học, cha mẹ phải dạy các cháu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, phải biết kính trọng thầy cô: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Dạy các cháu biết nghe lời thầy cô, học giỏi, chăm ngoan; biết thương yêu chan hòa với bạn bè cùng lớp; biết kính trọng yêu thương từ người gác cổng, nhân viên dọn vệ sinh; biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, tập thể; biết yêu thương các bạn cùng lớp, nhất là các bạn nghèo. Các em là tờ giấy trắng, ngay từ bây giờ tay cha mẹ “bẩn” thì đừng “bôi” vào con. Đừng bắt con sống “khác người” – phải luôn chú ý không được “nặn” con mình thành người “đặc biệt”, chuẩn bị cho con một chỗ đứng, chỗ ngồi cho cả cuộc đời sau này.
Khi các em đã bước vào tuổi “người lớn” phải chú trọng dạy ở cả hai mặt: Làm con của gia đình và làm người với xã hội.
3. Dạy các em làm người là dạy cho các em hiểu mình là một thành viên của xã hội, phải có những đức tính cơ bản của một người lúc ở nhà, lúc ra xã hội: Đó là một con người sống trung thực, trong sáng, chăm học, lễ phép, tuân thủ pháp luật và rèn luyện đạo đức theo tiêu chí công dân của nước Việt Nam anh hùng, hòa hiếu.
Dạy đạo làm học trò là dạy cho các em học hành tấn tới, không rong chơi phí phạm giờ giấc học tập, biết giúp đỡ yêu thương bạn bè – nhất là các bạn có hoàn cảnh khó khăn, biết vừa học vừa làm, góp công sức cho từ thiện của xã hội. Cha mẹ nên dành cho các con thì giờ tham gia công tác xã hội, tham gia “Mùa hè xanh”, bớt ăn mặc tiêu xài phung phí để góp sức cứu giúp người nghèo khổ, cô đơn, góp sức cho những người có công với đất nước mà chưa được chăm sóc tốt… Cha mẹ đừng vì lo làm ăn mà không chú ý từng bước chân con đi, từng lời con nói… để khi giật mình nhìn lại bước đi của con đã chệch đường, lao xuống lề, xuống vực… thì khó lòng cứu nổi.
Mong ngành giáo dục có tiết học “đạo làm người” cho tất cả học trò. “Đạo làm người” sẽ là sợi chỉ đỏ cho tất cả mọi người – từ lúc chào đời đến khi nằm xuống biết sống như thế nào để xứng đáng là người.
Đinh Phong
(nguyên Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM)

Mỗi gia đình nên lập những “quy chế” riêng để dạy con làm người ngay từ lúc các cháu cất tiếng khóc chào đời.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)