Theo cô Tuyết, cần nâng cao hơn nữa ý thức tổ chức kỷ luật cho HS
|
Khi nhận lớp chủ nhiệm, các thầy cô hãy hết lòng vì phong trào của một tập thể nhỏ. Năng lực và kinh nghiệm là hai yếu tố “dẫn đường”để làm nên thành công của “người thủ lĩnh”. Đó là thông điệp của buổi hội thảo “Giáo dục học sinh chưa ngoan” do Trường THPT Hiệp Bình (Q. Thủ Đức, TP.HCM) vừa tổ chức gửi đến từng thầy cô đang mang trọng trách ươm mầm thế hệ trẻ.
“Muôn hình vạn trạng” lỗi vi phạm
Lớp 10A2 năm nay do cô Lê Thùy Trang chủ nhiệm không phải là không có học sinh (HS) chăm ngoan nhưng số đó chưa nhiều. Trong lớp vẫn có nhiều trường hợp cá biệt làm cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải tốn nhiều công sức để giải quyết chuyện HS vi phạm nội quy. Có lẽ chính vì thế mà ngay từ đầu năm, khi nhận lớp, cô Trang đã quyết tâm đeo bám và đưa ra “chương trình” để tìm mọi biện pháp uốn nắn từng cây non không chịu mọc thẳng. Gắn bó với HS nhiều năm, cô Trang thừa nhận: “Đa số các HS hư đều có cá tính, tính cách rất đặc biệt nếu không nói là khác thường. Chính những “nhân vật” này đã làm ảnh hưởng tới một vài em HS khác, nếu GV không ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn có thêm những HS chưa ngoan khác”. Như vậy, theo cô Thùy Trang, nếu thiếu sự quan tâm của GVCN thì tình hình trong lớp sẽ ngày một xấu đi, rất khó cải thiện. Cũng vì vi phạm nhiều, mà trong lớp 10A2 đã có vài cá nhân bị đưa ra hội đồng kỷ luật tới… 3 lần. Tuy là chuyện “bất khả kháng” nhưng nhà trường không còn cách nào hơn. Đồng tình với ý kiến cô giáo trẻ này, các GV khác khẳng định, HS mới vi phạm lần đầu thì hãy tìm hiểu nguyên nhân trước. Đó có thể là do các em suy nghĩ bồng bột, nông cạn nhưng nếu vi phạm có hệ thống thì phải có biện pháp xử lý kịp thời và cứng rắn hơn.
Chủ nhiệm HS lớp 11 nên cô Nguyễn Thị Tuyết cũng phải “chịu trận” nhiều hơn vì ở khối lớp “giao thời” này, tần suất vi phạm nhiều hơn, lỗi vi phạm cũng “phong phú” và “muôn hình vạn trạng” hơn. Ngoài đi trễ, nghỉ học không phép, trang phục, đồng phục… HS lớp 11 còn thêm các “trọng tội” khác như nói tục, chửi thề, để tóc dài, nhuộm tóc khi đến trường. Cá biệt có em vào lớp rồi còn mang theo điện thoại, máy nghe nhạc để… giải trí, mang thức ăn vào lớp để… ăn. Theo cô Tuyết, một số lỗi khác tuy nhỏ, nhưng thầy cô không nên bỏ qua mà nên nhắc nhở các em có ý thức hơn như xả rác bừa bãi, ra về không đóng cửa sổ và chen lấn nhau. Cũng là “người trong cuộc” nên thầy giáo chủ nhiệm lớp 11A3 Chống A Tú hiểu rất rõ “nỗi đoạn trường” của cô Tuyết. “Trong một tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần có biết bao nhiêu “sự kiện” nổi cộm cần giải quyết. Nếu GVCN thiếu kinh nghiệm hoặc lơ là một chút thì thất bại nằm trong tay là cái chắc”, thầy A Tú khẳng định.
Những con đường… dạy dỗ
Ở Trường THPT Hiệp Bình, có một người tuy không làm công tác chủ nhiệm nhưng hiểu và theo sát HS cũng không thua kém GV nào, đó là cô Phương Lan – giám thị của trường. Đôi lần trò chuyện cùng với cô, tôi mới hình dung ra được các lỗi vi phạm của HS trong trường phổ thông hiện nay. Nói chung là “mỗi trò một vẻ” nên không thể giải quyết máy móc và cứng nhắc được. Không có một “đơn thuốc” chung cho toàn bộ HS mà tùy theo từng trường hợp vi phạm có một “toa thuốc” và liều lượng riêng. Có như vậy lỗi vi phạm của HS mới giảm.
Với tham luận “Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật HS”, cô Nguyễn Thị Tuyết đã mổ xẻ những nguyên nhân làm cho HS dễ bị hư hỏng, vi phạm nội quy kỷ luật. Từ những lý do đơn giản, nhất thời như: Đi học trễ do ngủ quên, mặc đồng phục cho thoải mái hơn (?) đến nguyên nhân khác như sống ỷ lại, tâm lý buồn chán gia đình, bắt chước người lớn thiếu ý thức trong ăn mặc, nói năng… Khi nhận một lớp học “có vấn đề” như thế, tâm lý chung của GVCN, theo cô Tuyết la: “Chúng ta đã bước vào một “cuộc chơi” mới với nhiều thử thách mới. Vì thế, thách thức này đòi hỏi GV phải có bản lĩnh và cả ý chí”.
Mặc dù rất “đau đầu” với “lính” của mình nhưng cô Lê Thùy Trang lúc nào cũng ráng dằn lòng, luôn tự nhủ không được nóng vội, bực tức. Theo cô: “Cần phải hhỏ nhẹ, tâm tình để làm sao gần gũi với các em hơn”. Khi nghe cô đưa ra ý kiến này, tôi lại nhớ tới một lời khuyên: “Bạn là người rất gần gũi với học trò, hãy để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng”. Đây cũng là quan điểm dạy học trò của thầy A Tú. Khi biết các em nam sinh thích đá bóng, thầy đã trở thành một cầu thủ chính thức trong đội bóng của lớp. Trong vai trò đó, thầy trò đã trở thành bạn nhưng vẫn có khoảng cách nhất định: “Hòa đồng nhưng không hòa tan”.
Tuy nhiên, điều quan trọng là thầy cô phải có nhiều biện pháp, không thể theo một con đường duy nhất, một lối mòn có sẵn. Tuy vậy, nếu HS vi phạm mức độ nặng hơn, nói hoài không lay chuyển thì phải theo nội quy của nhà trường mà xử lý như: Răn đe, khiển trách, cảnh cáo. Nặng thì đưa ra hội đồng kỷ luật xử phạt. Tuy nhiên, đây là kết cục cuối cùng mà không thầy cô nào mong đợi cả vì một GV có lương tâm không bao giờ muốn để một “điểm đen” trong học bạ cũng như trong tuổi hoa niên đẹp đẽ của các em. Chính vì vậy, cô Tuyết khuyên đồng nghiệp hãy khen thật nhiều, cứ nêu những việc làm tốt, lời nói hay của các em nhiều hơn, dành thời gian chia sẻ với các em càng nhiều thì càng đáng quý. Vì ai cũng biết một điều, không bao giờ các em phụ lòng thầy cô dù là… một HS hư. Phải tin tưởng các em.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
“Mỗi thầy cô ai cũng có một cách dạy dỗ riêng tùy theo hoàn cảnh, tùy theo đối tượng. GV hãy là người luôn sâu sát và gắn bó với từng HS một. Hãy cố gắng sống hết mình vì các em”, Cô Võ Thị Bình Minh – Phó hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình định hướng.
|
Bình luận (0)