Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy bằng tiếng Anh ở trường chuyên: Lực có tòng tâm?

Tạp Chí Giáo Dục

Được xem là bước đột phá nhằm rút dần khoảng cách với nền giáo dục quốc tế, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) chủ trương từ niên học 2011 – 2012, tại các trường chuyên sẽ triển khai dạy và học một số môn tự nhiên (toán – lý – hoá – sinh) bằng tiếng Anh…

Song, cho đến thời điểm “ngưỡng cửa” của niên học 2011-2012, hệ thống giáo dục vẫn chưa đủ nhân lực cũng như vật lực để thực hiện.
Đừng để một chủ trương hay chỉ là… khát vọng đẹp (ảnh minh hoạ).
Ngổn ngang nỗi lo từ người dạy
Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) đã dạy thí điểm bằng tiếng Anh ở một số môn từ vài năm nay. Ông Nguyễn Vũ Lương – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, lúc đầu trường thực hiện dạy bằng tiếng Anh trong giờ chính khoá, nhưng sau đó nhận thấy quá nặng đối với cả thầy và trò nên chuyển thành ngoại khoá. Mỗi tuần, các em có 4 buổi học bằng tiếng Anh cho các môn toán, lý, hoá, sinh, tin học. Thứ sáu hằng tuần là “ngày tất cả mọi người đều nói tiếng Anh”. Mỗi tuần, trường có 20 tiết dạy bằng tiếng Anh cho 5 môn nói trên, nhưng đây là công việc cực kỳ khó khăn. Riêng môn toán, nhà trường đang yêu cầu giáo viên soạn bài và viết bằng tiếng Anh khi dạy. Sau đó là giữ lớp bằng tiếng Anh, tổ chức các thảo luận nghiêm túc để hoàn thiện dần…
Ông Lương nhấn mạnh: “Việc đầu tư giáo viên dạy chuyên để đạt chuẩn quốc tế thì mới có bằng thạc sĩ cũng chưa đạt, mà giáo viên phải là người có kinh nghiệm. Giáo viên dạy chuyên có kinh nghiệm thì hiện nay như trường chúng tôi không nhiều. Theo tôi, nếu xây dựng trường chuyên đạt chuẩn quốc tế mà không có giáo viên đạt chuẩn quốc tế thì cũng bằng không. Do vậy, bộ nên có định hướng tập trung đầu tư bồi dưỡng giáo viên ở các trường đại học, vì đó như là “máy cái”.
Hay như ý kiến của ông Thái Văn Bình – Hiệu trưởng Trường chuyên Nguyễn Huệ – Hà Nội – thì: “Bộ nên có lộ trình khi triển khai kế hoạch này, đồng thời kèm điều tra đánh giá độ tuổi giáo viên để trên cơ sở đó có bước đi phù hợp, vì đội ngũ giáo viên dạy chuyên hiện nay phần lớn đã lớn tuổi, tuy có chuyên môn nhưng không thể học được tiếng Anh trong thời gian ngắn như vậy để giảng dạy được”. Theo ông Thái Văn Bình, để triển khai dạy ngay tiếng Anh ở năm học tới “bộ nên tập trung đào tạo từ “máy cái” là trường sư phạm để giảng dạy trường chuyên. Hợp lý và nhanh nhất là sinh viên các lớp cử nhân tài năng vì hiện nay, những sinh viên này đều đã được học môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Chúng ta chỉ cần bồi dưỡng cấp tốc đối tượng này sau đó gửi về địa phương, mỗi tỉnh khoảng 2 giáo viên là được”.
Ông Bình thẳng thắn: “Nếu Bộ GDĐT đã đưa ra chủ trương dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh thì phải cố mà làm và làm thực chất, không để rơi vào tính hình thức”.
Học sinh cũng… căng thẳng
Khi đề cập đến vấn đề này, ông Đỗ Bá Khôi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam – đưa ra kiến nghị cụ thể: Trong khoảng 400 tiết toán/năm, chỉ nên dạy bằng tiếng Anh 10 – 20 tiết là phù hợp với mặt bằng trình độ và chất lượng học sinh cũng như giáo viên hiện nay. Hay ở góc độ là người tham gia giảng dạy – thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh – Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên – cho biết: “Khi lên lớp, tôi không bao giờ dạy kiến thức mới cho các em bằng tiếng Anh. Khi nào các em tư duy bằng tiếng Anh được thì mình mới đưa kiến thức mới vào giảng dạy. Tôi thường đầu tư vài buổi đầu để tập trung dạy cho các em cách đọc công thức toán học bằng tiếng Anh và những câu hay dùng trong tiếng Anh đối với môn toán”.
Một cách tổng quan hơn, nhìn nhận về tình trạng tuyển đầu vào của các trường chuyên, một giáo viên thâm niên của Trường chuyên Lê Hồng Phong TPHCM cho rằng: TPHCM được đánh giá là một trong những địa phương có trình độ tiếng Anh của học sinh thuộc loại “tương đối ổn” so với bình diện chung của cả nước, nhưng đầu vào cũng rất căng thẳng. Còn vị Giám đốc Sở GDĐT TPHCM – thạc sĩ Huỳnh Công Minh – đã đưa ra lời nhận xét: Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vì thế, để có một mô hình học được đảm bảo về kiến thức và nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, từ năm học 2008 – 2009 Sở GDĐT TPHCM đã khuyến khích các trường trung học tổ chức dạy các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Ngân Anh – Thể Uyên / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)