Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Không nên áp đặt và chụp mũ

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên đừng quá xa lánh học sinh, có thể vừa là thầy vừa là bạn của các em. Ảnh: N.Anh
Học sinh (HS) hư hỏng có nhiều trường hợp không phải tất cả do bản chất các em xấu mà còn có tác động từ bên ngoài của môi trường xã hội. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Ở trường tôi mấy năm trước đã có tình trạng HS ăn trộm tiền của bạn. Khi phát hiện vụ việc, kêu em viết bản tường trình giáo viên mới biết là em HS này lấy tiền không phải để tiêu xài mà để “cống nạp” cho một số đối tượng trấn lột HS ngoài cổng trường. Đa số là những phần tử thanh niên hư hỏng và lêu lổng. Nhờ báo công an khu vực và có người làm chứng nên chúng tôi đã ngăn chặn kịp thời việc này. Qua vụ việc đó tôi thấy khi xử lý kỷ luật HS, chúng ta phải tìm hiểu kỹ nguyên do, đừng kết luận oan cho HS, như vậy mới có biện pháp giáo dục phù hợp. HS cũng tin tưởng nhà trường và thầy cô hơn. Nếu áp đặt và chụp mũ thì các em dễ phản ứng nhiều khi có tác dụng ngược trong giáo dục.
Ngoài ra khi xử lý cũng phải tùy theo mức độ, từ nhắc nhở, cam kết, mời phụ huynh HS… Nếu vi phạm nặng như đánh nhau, vô lễ với người lớn thì nâng mức cảnh cáo. Điều quan trọng không phải xử lý theo hình thức nào mà chúng ta phải cân nhắc hình thức nào thì phù hợp, có tính giáo dục nhất. Hơn nữa trách phạt, kỷ luật là điều ngoài ý muốn của nhà trường, đa số giáo viên không muốn. Bên cạnh đó chúng ta phải nêu gương tốt, cổ vũ tinh thần cầu tiến của các em ngoan, học giỏi để làm gương. Điều đó cũng phù hợp với tâm lý lứa tuổi HS THCS. Đuổi học là hình thức kỷ luật cao nhất nhưng chúng ta cũng đừng nên lạm dụng. Hãy cho các em thêm một cơ hội sửa đổi. Khi giáo dục nhiều lần không được đó mới là điều “bất đắc dĩ” phải làm. Gia đình cũng phải quản lý thật chặt (tôi từng biết ở trường khác có một HS đã ăn cắp của gia đình 5 lượng vàng để mua vũ khí ảo trên mạng). Lỗi các em vi phạm có phần trách nhiệm của cha mẹ trong đó.
Ở bậc THCS, có một số nữ sinh đã bắt đầu thích se sua, lơ là chuyện học hành. Không chỉ con nhà giàu mà nhiều em có hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn cũng chưng diện nhưng do quan niệm của cha mẹ “con gái phải chưng diện cho đẹp” để rồi hậu quả thì không biết trước được. Một số em sống trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thiếu quan tâm. Các em được nhiều người thân cho tiền nhưng lại không quản lý chuyện tiêu xài nên cứ “vung tay quá trán” không biết quý trọng đồng tiền. Dù đang học cấp 2 nhưng có HS đã nảy sinh tình cảm nam nữ, nhưng hầu hết là cảm tính. Ở các trường hợp này, nếu giáo viên không “nắm bắt được tình hình” thì có nhiều chuyện chẳng lành sẽ xảy ra mà phổ biến nhất là chuyện đánh nhau vì tình cảm. Có người băn khoăn có nên ngăn cấm hay không chuyện này? Theo tôi, việc ngăn cấm rất khó nhưng không khuyến khích và phải có mức độ và biết điểm dừng. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện hai em HS trong trường nảy sinh tình cảm đều là cán bộ lớp (lớp trưởng và lớp phó học tập). Tình cảm các em công khai và không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập nhưng khi lên học THPT thì các em lại chia tay nhau. Rõ ràng tình yêu đó dù có trong sáng nhưng dần dần khi trưởng thành các em mới thấy không hợp. Bằng chứng thực tế đó cho thấy, tình yêu của HS THCS là chưa cần thiết và khó bền vững khi đã có nhận thức về cuộc sống. Đúng như một giáo viên ở trường tôi khẳng định: “Tuổi các em con nít chưa qua nhưng cứ muốn biểu hiện mình là người lớn”. Vì thế muốn dạy các em, chúng ta phải hiểu các em trước đã. Bên cạnh đó thầy cô phải trải lòng mình ra với các em và phải quan tâm “HS sai 10 thầy cô chỉ bảo 9”. Thầy cô cũng như cha mẹ phải là người gần gũi với các em. Đừng quá xa lánh học trò mà hãy để chúng luôn cởi mở với bạn. Có thể chúng ta là thầy nhưng cũng vừa là bạn của các em.
Nguyễn Thị Thái
(Phó hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức)

Điều quan trọng không phải xử lý theo hình thức nào mà chúng ta phải cân nhắc hình thức nào thì phù hợp, có tính giáo dục nhất.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)