Trong một hội nghị mới đây về sắp xếp lại các đơn vị của ngành giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì, các đại biểu đã góp ý xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập đối với 55 đơn vị trực thuộc bộ, trong đó có các trường dự bị ĐH.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường ĐH ở TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm
Thực trạng đào tạo ở trường dự bị ĐH
Đảng và Nhà nước ta xác định hệ dự bị ĐH là loại hình đào tạo chuyên biệt, ưu tiên dành cho học sinh dân tộc thiểu số; có nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào học ĐH, CĐ nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số trường dự bị ĐH dù đã hết sức cố gắng bằng mọi cách thức vẫn không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT đã phân bổ, có trường liên tục nhiều năm liền tuyển sinh không đạt 50% chỉ tiêu.
Nguyên nhân là do tình trạng tuyển sinh ĐH ngày càng dễ dãi, phần lớn học sinh dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp THPT đã đỗ thẳng vào ĐH mà không cần phải qua một năm học dự bị ĐH. Trong lúc điểm chuẩn tuyển sinh (dựa trên phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia) của trường dự bị ĐH theo Thông tư 26/2016/TT-BGDĐT quy định là 12 điểm (nếu cộng các điểm ưu tiên 2,75 sẽ thành 14,75) thì điểm chuẩn của nhiều trường ĐH còn thấp hơn, từ đó dẫn đến hệ lụy tất nhiên là học sinh không còn mặn mà với trường dự bị ĐH.
Trường dự bị ĐH không tuyển sinh được, kéo theo tình trạng đội ngũ giảng viên khó đảm bảo được định mức tiết dạy. Mấy năm học gần đây, có trường dự bị ĐH nhiều giảng viên thiếu tiết dạy trầm trọng, dạy không đủ định mức, không hoàn thành nhiệm vụ trong lúc ngân sách trả lương hằng tháng thì đương nhiên vẫn cứ phải bảo đảm. Tình hình tinh giản biên chế loay hoay, ì ạch, chủ yếu giảm số lượng viên chức một cách thụ động, dựa vào diện viên chức dần đến tuổi nghỉ hưu, chứ không hề xây dựng đề án tích cực, chủ động theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh khó khăn về tuyển sinh, trường dự bị ĐH còn lúng túng trong phân bổ đầu ra. Từ năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT đã dừng phân bổ học sinh hoàn thành chương trình dự bị ĐH vào ngành sư phạm của các cơ sở giáo dục ĐH; còn ngành y – dược cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao, ngày càng siết chặt tiêu chí nhận học sinh phân bổ.
Sáp nhập là xu thế tất yếu
Trên cơ sở nội dung tổng quát của đề án, hội nghị đã nêu định hướng chuyển các trường chuyên biệt – trong đó có trường dự bị ĐH – “về thuộc hoặc trực thuộc các trường ĐH (mô hình trường hoặc khoa trong cơ sở giáo dục ĐH – nếu trên cùng địa bàn tỉnh/thành trực thuộc Trung ương hoặc trở thành phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH – không cùng địa bàn tỉnh/thành trực thuộc Trung ương)”[*]
Việc sắp xếp, tổ chức lại các trường dự bị ĐH như trên, bên cạnh những mục tiêu quan trọng khác, còn nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức dự bị ĐH. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho nhà trường để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho nhà giáo và người lao động ở trường dự bị ĐH.
Từ những thực tế nêu trên, việc sáp nhập các trường dự bị ĐH vào trường ĐH theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, theo đề án của Bộ GD-ĐT đang tích cực xây dựng và triển khai trên cơ sở đảm bảo quyền lợi lâu dài của học sinh dân tộc thiểu số, của đội ngũ giảng viên trường dự bị ĐH, là nhu cầu tất yếu, không thể chần chừ hoặc trì hoãn.
Mô hình tối ưu thế nào?
Một trong các ý tưởng, dự kiến sáp nhập trường dự bị ĐH thành một khoa thuộc trường ĐH là mô hình tối ưu. Khi đó, giảng viên các bộ môn trong trường dự bị ĐH được chuyển sang ngạch giảng viên của trường ĐH, thực hiện nhiệm vụ, hưởng các chế độ, quyền lợi giảng viên theo quy định, có cơ hội phát triển, phấn đấu đạt trình độ ở các bậc học hàm học vị cao hơn như tiến sĩ, phó giáo sư… Một mô hình mẫu mực, có tính khả thi cao cho tương lai của hệ dự bị ĐH mà chúng ta cần tham khảo là Khoa Dự bị và Tạo nguồn của Trường ĐH Tây Nguyên được thành lập năm 1996, đã đào tạo hàng ngàn học sinh dự bị ĐH, chứng minh hiệu quả đào tạo khá cao, chủ động đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu cả đầu vào lẫn phân bổ đầu ra, không lệ thuộc vào các cơ sở giáo dục ĐH khác. Ngoài ra, Khoa Dự bị dân tộc của Trường ĐH Cần Thơ thành lập từ 2007 cũng là minh chứng về hiệu quả đào tạo dự bị ĐH khi gắn kết với trường ĐH, đáng để các cấp quan tâm tìm hiểu, học hỏi và phát huy.
Yêu cầu cấp thiết Đề án được xây dựng dựa trên căn cứ thực tế kết quả hoạt động và hạn chế của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trực thuộc Bộ GD-ĐT trong thời gian qua, theo chủ trương của Đảng thể hiện qua Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL. Các đại biểu đã nhất trí, đồng thuận cao với quan điểm của hội nghị về việc xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL, trong đó có chủ trương sáp nhập một số trường dự bị ĐH hoạt động kém hiệu quả vào trường ĐH dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, có lộ trình phù hợp ở từng giai đoạn từ 2019-2030, nhằm khắc phục tình trạng manh mún, chồng chéo chức năng nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của học sinh, nhà giáo và người lao động ở các đơn vị SNCL trực thuộc Bộ GD-ĐT. |
Qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, mô hình đào tạo dự bị ĐH đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trí thức và góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, một số trường dự bị ĐH hoạt động kém hiệu quả nhiều năm đã trở nên không còn phù hợp, thể hiện từ khâu tuyển sinh suy giảm trầm trọng, đến khó khăn phân bổ học sinh sau bồi dưỡng, bộ máy hành chính biên chế cồng kềnh, kém hiệu quả và lãng phí ngân sách Nhà nước… nên cần thiết phải sáp nhập vào các trường ĐH theo mô hình khoa dự bị dân tộc hiện hoạt động khá hiệu quả ở các trường ĐH Tây Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Trà Vinh…
Mong rằng, việc sáp nhập trường dự bị ĐH theo chủ trương của Đảng, Chính phủ sớm được Bộ GD-ĐT xây dựng hoàn chỉnh đề án để trình Chính phủ; tiếp tục triển khai và hoàn tất để nhanh chóng ổn định việc dạy – học của thầy và trò ở hệ đào tạo dự bị ĐH trên cả nước.
Thành Dương
[*] https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/news/Tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-xay-dung-de-an-sap-xep-to-chuc-lai-don-vi-su-nghiep-cong-lap-truc-thuoc-bo-giao-duc-va-dao-tao-434
Bình luận (0)