Cho đến nay, ở nước ta, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về phương pháp dạy học và cũng không phải đã hết ý kiến về việc có nên áp dụng phương pháp dạy học tích cực hay không? Hiện có ba loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trong điều kiện hiện nay, do hạn chế về thời gian, hạn chế về nhận thức (thầy giỏi về chuyên môn sẽ dạy giỏi; cái mà thầy dạy chỉ là nội dung; mục tiêu học tập chủ yếu là kiến thức); hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật và chưa có cơ chế chính sách tạo động lực… nên thuyết giảng vẫn là phương pháp của các phương pháp. Thuyết giảng – phương pháp thầy truyền thụ, giảng giải để trò nghe rõ, ghi đầy đủ vẫn là phương pháp cơ bản nhất.Loại ý kiến thứ hai cho rằng, chỉ nên áp dụng phương pháp dạy học mới trong điều kiện cho phép. Do quá quen với phương pháp truyền thống, nên không dễ gì thay đổi được. Bởi vậy chỉ cần cải tiến chính phương pháp thuyết giảng là đủ. Loại ý kiến thứ ba thì cho rằng, trong thời đại CNTT, lượng tri thức mà nhân loại sáng tạo ra mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân và càng chuyên sâu, nếu không có phương pháp tư duy mới sẽ không có khả năng tiếp nhận chưa nói gì sáng tạo ra tri thức mới. Hơn nữa kỹ thuật trợ giảng ngày càng hiện đại, người thầy, nói đúng hơn sự nghiệp GD-ĐT không thể đứng ngoài với xu thế chung. Để thích ứng với yêu cầu của thời đại (thực ra từ thời cổ đại đã có), đòi hỏi cần phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của cả thầy và trò – phương pháp dạy học tích cực.
Vậy, phương pháp dạy học tích cực là gì? Khi nói về phương pháp dạy học, người ta thường sử dụng những thuật ngữ khác nhau: phương pháp dạy học mới, phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, phương pháp dạy học tích cực… Mặc dù sắc thái của các thuật ngữ có khác nhau, theo chúng tôi, tất cả đều có chung một bản chất. Do đó, có thể quan niệm, phương pháp dạy học tích cực là sự khơi dậy, phát huy tính chủ động, tích cực của cả thầy và trò nhằm trau dồi tư duy sáng tạo và rèn trí thông minh trong quá trình chinh phục chân lý; là sự dạy và học mà trong đó thầy là người tổ chức, định hướng, tạo điều kiện, còn trò là người thực hiện, thi công nhằm đạt được cả ba mục tiêu: kiến thức, kỹ năng và thái độ, trên cơ sở đánh giá, kiểm tra cả quá trình học tập và của từng môn học.
Nguyễn Hoàng Long (Bình Thạnh)
Bình luận (0)