Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lương thấp, khó trụ với nghề

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM sẽ đầu tư 60 tỉ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho đủ nhu cầu giáo viên hệ mầm non (MN). Tuy nhiên, hiện nay TP đang thiếu 880 giáo viên và hằng năm có hơn 200 giáo viên bỏ việc.

Nếu không có chính sách cải thiện thu nhập thì tình trạng thiếu giáo viên MN sẽ còn kéo dài.

Tại nhiều hội thảo về giáo dục MN của TP.HCM, bao giờ cũng nghe điệp khúc than thở của những người trong cuộc mà những người làm quản lý giáo dục MN cũng chỉ biết lắng nghe và động viên. Giáo viên thì kêu ca làm việc quần quật từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mà khi lĩnh lương, cầm đồng tiền trên tay thì không biết xoay xở thế nào để đủ sống. Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Mai, quận 3, nói: Đúng là giáo viên MN không sợ thất nghiệp nhưng theo nghề thì quả là khó sống nếu không có nguồn hỗ trợ khác từ gia đình hoặc sống được nhưng rất lay lắt, thiếu trước hụt sau.
Đi dạy vẫn xin tiền mẹ!
Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên bỏ việc chủ yếu là đời sống khó khăn, lương thấp không đủ sống và áp lực công việc nhiều. Lương giáo viên mới ra trường chỉ gần 2 triệu đồng/tháng, thâm niên thì hơn 3 triệu đồng, làm sao giáo viên sống nổi. Nếu như UBND TP không có chính sách gì thêm thì ngành giáo dục cũng chịu. Ngành MN thiếu giáo viên thì giáo sinh học MN không lo thất nghiệp là đúng nhưng có trụ lại với nghề hay không là điều lãnh đạo TP, ngành giáo dục cần bàn thêm.
Một giáo viên Trường MN Hoa Hồng (Gò Vấp) tâm sự: “Năm đầu tiên đi làm, lương em được gần 1,5 triệu đồng/tháng. Mỗi năm được thưởng một lần duy nhất vào dịp tết 200.000 đồng. Nghe đâu năm nay em được tăng lương, chắc được khoảng 1,8 triệu đồng/tháng”. Với số tiền trên, cô chưa có gia đình, sống cùng cha mẹ nên chỉ để trang trải cho tiền xăng, tiền ăn sáng. Muốn sắm cái quần, chiếc áo phải xin mẹ.

Giáo viên MN ngoài công lập giờ đây được chủ đầu tư (tạm gọi hiệu trưởng) ký hợp đồng bao phần ở tại trường để đỡ tốn một khoản tiền nhà chiếm gần 50% lương. Ảnh: Q.VIỆT
Cô Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng (Gò Vấp), chia sẻ: Giáo viên MN chỉ có thu nhập thêm từ phụ huynh bồi dưỡng cho các cô vài trăm ngàn đồng. Các cô chưa chồng, lỡ may có anh nào thu nhập cao cưới làm vợ, các cô sẵn lòng bỏ nghề ngay. Phải có chính sách hỗ trợ thì TP mới hết cảnh thiếu giáo viên MN triền miên.
Giáo viên MN trường tư cơ chế thoáng hơn
Cô Lan Hương cho rằng khi kinh tế khá lên, nhiều trường MN tư thục chất lượng cao ra đời phục vụ cho tầng lớp khá giả. Những nhà đầu tư sẵn sàng săn những giáo viên giỏi với mức lương cao gấp đôi, gấp ba. Hoặc xu hướng khác là giáo viên mở trường MN tư thục.
Cô Trần Thị Kiều Hoa, chủ nhóm trẻ tư thục Hoàng Yến (phường 15, quận Tân Bình), chia sẻ kinh nghiệm: Đi dạy được bảy năm ở trường công lập, lương chỉ đủ chi phí cho nhu cầu mỗi ngày, không tiết kiệm được đồng nào. Cô về bàn với gia đình mở trường tư thục MN giá bình dân cho con em lao động, công nhân với mức học phí 700.000-800.000 đồng/tháng. Cô thuê mặt bằng một trệt, ba lầu chia làm bốn lớp. Thuê giáo viên, bảo mẫu ngoại tỉnh với mức lương 1,7-2,1 triệu đồng/tháng, bao chỗ ở tại trường. “Tất cả giáo viên, bảo mẫu không tốn tiền thuê nhà, ăn uống. Phụ huynh nào muốn gửi con thêm 1-2 tiếng thì các cô có điều kiện trông giữ thêm và có thu phí, các cô được hưởng chia đều nhau, coi như phần kiếm thêm” – cô Hoa cho biết.
Cô Hoàng Thị Tư, giáo viên nhóm trẻ Hoàng Yến, bộc bạch: Quê ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh, ra trường thất nghiệp nên vào TP.HCM tìm việc, được cô Hoa nhận vào làm và cho đi học nghiệp vụ, làm được gần hai năm đã quen việc, lương được 1,9 triệu đồng. Mỗi tháng, nếu không bị phụ huynh phàn nàn thì được thưởng thêm 200.000-300.000 đồng nữa, cộng thêm tiền giữ trẻ ngoài giờ cũng được vài trăm nữa. Ăn ở tại trường, mỗi tháng chi tiêu mất khoảng 700.000-800.000 đồng, cũng tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng gửi về quê giúp mẹ nuôi em ăn học.
Tương tự, cô Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9, cho biết cô hỗ trợ giáo viên MN chỗ ở tại trường, còn có thời gian làm thêm khi phụ huynh có nhu cầu gửi con sau giờ làm việc hoặc thứ Bảy, Chủ nhật kiếm thêm. “Làm như vậy, giáo viên các tỉnh mới có dư, chứ tiền lương cứng hiện nay giáo viên từ thiếu ít đến thiếu nhiều” – cô Vĩnh nói.
TP.HCM đang thiếu 880 giáo viên mầm non
Năm học 2010-2011, TP.HCM có 696 trường MN, trong đó có 407 trường công lập, 289 trường ngoài công lập, 960 nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo tư thục. TP.HCM hiện có khoảng 3.800 giáo viên MN mà thực tế cần đến hơn 4.680 giáo viên, còn thiếu 880 giáo viên MN. UBND TP.HCM vừa ký phê duyệt đề án phát triển giáo dục MN cho TP với mức kinh phí 2.700 tỉ đồng. Trong đó, dự kiến khoảng 60 tỉ đồng đào tạo, bồi dưỡng cao đẳng sư phạm MN (hệ ba năm) cho hơn 4.700 giáo viên nhằm đảm bảo đủ hai giáo viên/lớp và đảm bảo sĩ số 30 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, từ năm học 2007-2008, mỗi năm TP có hơn 200 giáo viên bỏ việc vì nhiều lý do khác nhau. Hiện nay, tình trạng giáo viên MN bỏ việc vẫn tiếp tục xảy ra, con số 60 tỉ đồng đầu tư đào tạo thêm chỉ đủ lấp số thiếu hụt hiện nay và e rằng không đủ lấp số bỏ việc trong sắp tới. Nếu không có chính sách cải thiện thu nhập thì nạn thiếu giáo viên vẫn sẽ kéo dài.
Mở dịch vụ, tăng học phí để cải thiện thu nhập
Mức lương hiện nay của giáo viên quả thật là điều nan giải, riêng với bậc học MN thì việc giáo viên làm thêm để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống cũng nằm trong tầm tay. Nếu hiệu trưởng năng động, với các chính sách mở của ngành như cho phép các trường công lập mở thêm, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho phụ huynh (tất nhiên là có thu phí) như học tiếng Anh, học đàn, học vẽ, tạo hình, võ, bơi lội… thì đời sống giáo viên sẽ được cải thiện. Cạnh đó, ngành cũng yêu cầu các trường tăng cường bảo mẫu để san sẻ công việc với giáo viên, những việc đơn giản, lao động chân tay thì để bảo mẫu làm, giáo viên sẽ có thời gian nghỉ ngơi, sáng tạo để phụ huynh thấy được và đóng góp cùng nhà trường cải thiện đời sống cho họ.
Ngoài ra, ngành ủng hộ việc ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp cùng BGH nhà trường tìm hiểu công việc hằng ngày của giáo viên để cùng chia sẻ, đóng góp, giúp giáo viên có thêm khoản tiền để cải thiện đời sống. Thực tế để gửi trẻ ở một trường tư chất lượng, mỗi tháng phụ huynh phải đóng 5-7 triệu đồng. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất ở trường công chúng ta có thể làm tốt hơn trường tư, sao chúng ta không làm để kiếm thêm nguồn thu chăm lo đời sống cho giáo viên.
Đề án 2.700 tỉ đồng TP vừa phê duyệt cũng không đề cập đến vấn đề cải thiện đời sống giáo viên MN, cho nên Sở đã gửi đề án đề nghị tăng học phí vì mức học phí MN công lập hiện nay quá lạc hậu, thấp (thu 80.000-100.000 đồng/tháng). Đề án xin tăng học phí đã trình UBND TP từ tháng 7-2010 nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.
NGUYỄN THỊ KIM THANH,
Trưởng phòng MN Sở GD&ĐT TP.HCM
QUỐC VIỆT / Pháp luật

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)