Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Dạy học trò cũng như dạy con trong nhà

Tạp Chí Giáo Dục

GV phải hiểu tâm tính từng HS để có phương pháp giáo dục công bằng và hợp lý. Ảnh: H.Triều
Giáo dục học sinh (HS) dễ mà lại khó. Dễ với những thầy cô nào hiểu được tâm tính từng em một, nhưng sẽ rất khó nếu chúng ta răn dạy theo một “công thức” chung. Lý do là HS bây giờ không giống như thế hệ HS mấy chục năm trước.
Hầu như giáo viên (GV) nào cũng có một nhận xét chung là HS trước đây rất ngoan, ít có em nào cá biệt. Gặp thầy cô HS luôn lễ phép khoanh tay chào, làm gì có chuyện trò cãi thầy hoặc đánh cô. Nếu cá biệt thì cũng chưa đến mức khó giáo dục và khuyên bảo. Các HS thế hệ trước đây có đặc điểm chung là ai cũng ham học, nhưng lại thụ động, thầy cô dạy sao thì tiếp thu vậy. Trước đây học như vậy là đạt yêu cầu, còn bây giờ thì lại khác. HS hỏi nhiều hơn, thắc mắc nhiều hơn nhưng chủ yếu hỏi về kiến thức xã hội, ít quan tâm tới bài học.
Hiện nay vẫn còn không ít thầy cô giáo dục bằng cách mắng chửi và đánh HS. Như vậy là không được. Ngay cả chuyện phạt HS bằng cách úp mặt vào tường cũng không nên, đó là một sự xúc phạm. Các em dễ bị mặc cảm và phạt nhiều thì sẽ “lờn thuốc”. Có em HS coi đó là chuyện bình thường và còn chế giễu lại thầy cô. Khi bị phạt HS không được nghe giảng, như vậy sẽ làm mất bài em trong tiết học hôm đó, chưa hết, còn gây chú ý cho các HS khác. Rõ ràng không được đánh HS đã đành mà ngay cả phạt cũng không nên theo kiểu “bêu xấu”. Hiện nay tôi thấy một số GV tiểu học và mầm non còn lạm dụng chuyện phạt này.
Thầy cô giáo dục HS không chỉ bằng lời dạy trực tiếp mà còn thông qua các hình thức khác như sinh hoạt tập thể và trong học tập. Thông qua dạy chữ chúng ta giáo dục các em được về tính cẩn thận, kiên trì, nghe lời thầy cô. Ví dụ: Trước đây, khi thấy em HS nào viết chữ xấu tôi liền khuyên em đó cần phải rèn thêm để chữ viết ngày càng đẹp. Tôi đưa câu “Nét chữ nết người” ra giải thích cho các em: “Chữ viết cũng phần nào biểu hiện tính cách và đạo đức con người”. Và tôi cũng thường thủ thỉ với HS: “Em viết chữ xấu sẽ làm ba mẹ buồn lắm”. Những câu nói đó lại có tác dụng hơn lời mắng chửi vì các em cũng như người lớn, ai cũng thích khen chứ có ai thích nghe chê mình đâu.
Khi dạy tôi còn soạn ra mấy câu thơ cho các em đọc: “Nét chữ tính nết con người/ Thầy cô khó nhọc bạn ơi chuyên cần/ Tuổi thơ chỉ đến một lần/ Văn hay chữ tốt xa gần đều khen/ Còn nhỏ rèn luyện cho quen/ Cẩu thả làm biếng thật hèn đáng chê”. Tuy mấy câu thơ chưa hay nhưng đã nhắc nhở các em biết rèn chữ giữ vở sạch. Không ngờ sau mấy chục năm một số em HS gặp lại tôi vẫn còn thuộc và đọc tiếp cho con em mình cố gắng viết chữ đẹp.
Tôi tâm niệm, nếu thầy cô không gần gũi HS thì không thể hiểu hết hoàn cảnh cũng như tính nết từng em. Chúng ta nên đặt câu hỏi: “Tại sao em này ngoan mà em kia chưa ngoan?”. Phải biết tính nết từng em HS để giáo dục. Có em thích nhẹ nhàng khuyên bảo nhưng có em lại cần nghiêm khắc hơn mới giáo dục được. Dạy học trò cũng như dạy con trong nhà phải công bằng và biết tâm lý từng em một.
Ngoài ra thầy cô cũng nên dành thời gian tìm hiểu gia đình các em. Có em HS đến trường nhưng bỏ đi chơi mà gia đình không biết, nếu GV không liên hệ được với gia đình thì sẽ ngăn chặn không kịp thời. Thế hệ HS trước đây khác với HS bây giờ, không thể áp dụng cách giáo dục cũ cho các em HS hiện nay. Em nào cũng dùng một kiểu giáo dục thì không đạt kết quả tốt.
Trần Thị Kim Anh
(cựu GV Trường TH Thới An, Q.12, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)