Nhà trường phải tạo ra không khí vui tươi, thoải mái để HS cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Ảnh: T.Tri
|
Bộ GD-ĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được hai năm, dấu hiệu ban đầu đã thu được những kết quả khả quan. Những tấm gương tốt của giáo viên, HS được biểu dương. Những hiện tượng tiêu cực thiếu lành mạnh của một số người làm công tác giáo dục bị dư luận lên án.
Công bằng mà nói, kể từ khi phát động phong trào thi đua, mối quan hệ thầy trò ngày càng thân thiện hơn, HS cũng tích cực hơn.
Hiện nay ở một số nhà trường phổ thông có hộp thư “Điều em muốn nói” đã được nhiều phụ huynh, HS hoan nghênh. Sự trao đổi thông tin hai chiều làm cho mối quan hệ giữa thầy và trò thân thiện hơn. Giáo viên hiểu hết tâm tư nguyện vọng của các em. Học trò thật sự thoải mái khi nhà trường biết tôn trọng nguyện vọng chính đáng của mình. Có những trường còn trưng cầu ý kiến của HS đánh giá về chất lượng giờ dạy của giáo viên trong trường. Tuy nhiên, theo tôi, mặt này có những điều tốt như giúp cho các giáo viên tự nhìn lại mình, nhưng cũng có mặt trái làm cho HS bị “nhờn”, ranh giới giữa thầy và trò bị lu mờ. Những thầy cô nghiêm khắc thì các em không thích, ngược lại, các em lại thích những thầy cô xuề xòa, dễ tính. Đây là vấn đề nhạy cảm, người cán bộ quản lí phải thật tỉnh táo không nên nghe theo thông tin một chiều.
Ở trường tôi có một thầy giáo thương binh đã từng dạy toán ở Trường CĐ Sư phạm của tỉnh. Các em HS không thích học với thầy mặc dù thầy là một giáo viên dạy giỏi. Thầy đánh giá rất công bằng, khách quan, đúng với thực chất sức học của HS. Thầy rất “rắn” trong việc cho điểm, sẵn sàng tổng kết 1,5 điểm toán cho một HS học yếu, kém mà chây lười trong học tập, mặc cho em đó là người cùng làng, có bố mẹ đến nhà nhờ thầy nâng đỡ. Ngoài ra, thầy thẳng thừng cho lưu ban những HS có đạo đức kém. Nhiều đồng nghiệp cho là thầy thiếu thông thoáng còn “cứng nhắc”…
Bộ GD-ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” là một bước tạo đà cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các thầy cô giáo phải tạo ra không khí vui tươi, thoải mái cho HS cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Thầy cô giáo phải thực sự thương yêu HS như chính con em mình để các em có cảm giác “mỗi ngày ở nhà là nhớ bạn, nhớ thầy”. HS đến trường biết xây dựng, bảo vệ tài sản trường lớp như của nhà mình. Có như thế thì mới đào tạo được một lớp người tương thân tương ái, xây dựng một nền giáo dục tiên tiến hiện đại.
Hoàng Minh Đức
(Trường THCS Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình)
Bình luận (0)