Trong cuốn sổ “Ghi nhận học sinh làm việc tử tế” được đặt ở phòng Ban Giám hiệu và phòng âm thanh của trường, những dòng chữ: tên học sinh, ngày tháng năm nhặt được gì, ai đến nhận… được ghi chi tiết, đầy đủ. Từ những món đồ không mấy giá trị như cục gôm, cây bút, vài ngàn đồng cho đến những món đồ trị giá như chiếc điện thoại, ví tiền… đều được thầy cô cẩn thận ghi lại, tìm cách trả lại người đánh mất.
Học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm hào hứng trong một hoạt động ngoại khóa
Đây là cách làm ý nghĩa mà Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) nhiều năm qua đã thực hiện nhằm dạy cho học sinh bài học “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”. Ngoài bài học về đạo đức, với cách làm này, học sinh còn được dạy bài học về sự trung thực, đức tính thật thà.
Từ những việc làm tử tế…
Ngày 21-8-2017, Nguyễn Hưng (lớp 3/9) nhặt được 4 ngàn đồng, Quốc Hưng (lớp 4/7) nhặt được 10 ngàn đồng; ngày 24-8-2017, Đăng Huy (lớp 4/1) nhặt được 10 ngàn đồng, Gia Phú (lớp 4/5) nhặt được 4 ngàn đồng…; ngày 28-11-2017, Gia Huy (lớp 4/8) nhặt được 20 ngàn đồng, Minh An (lớp 4/8) đến xin lại…; ngày 28-8-2019, Khánh Linh (lớp 2/6) nhặt được 1 ngàn đồng…; ngày 26-2-2019, Hùng Thịnh (lớp 4/9) nhặt được chiếc bóp trong có 1,5 triệu đồng, Kỳ Thư (lớp 5/4) đã đến xin lại (đây là số tiền Thư mang đi đóng học phí)… Món đồ trị giá nhất mà học sinh trong trường nhặt được đó là chiếc điện thoại iPhone 5 mà Minh Khôi (lớp 3/7) nhặt được vào ngày 12-11-2018. Sau đó, một phụ huynh lớp 3/7 đã đến xin nhận lại. Trước đó, ngày 24-8-2018, Minh Khuê và Tiến Phát (cùng học lớp 4/5) đã nhặt được một bóp tiền trong có rất nhiều tiền cùng giấy tờ, thẻ ngân hàng, một phụ huynh lớp 3/3 đã đến xin nhận lại…
Những ghi chép như thế này ngày nào cũng được các thầy cô trong Ban Giám hiệu cẩn thận ghi lại vào cuốn sổ “Ghi nhận học sinh làm việc tử tế”. Một cuốn sổ nữa được nhà trường đặt ở phòng âm thanh để thuận tiện cho việc học sinh vào trả lại đồ. Trong cuốn sổ ấy, những dòng chữ ngày tháng năm, tên học sinh, giá trị của rơi được ghi chép đầy đủ, cẩn thận. Mỗi tháng, mỗi quý, một năm đều được tổng kết lại. “Khi học sinh trả lại đồ người khác đánh rơi, Ban Giám hiệu sẽ báo cho giáo viên chủ nhiệm các lớp để thầy cô thông báo đến học sinh. Em nào đánh rơi sẽ tự lên nhận lại”, cô Tống Thị Mai Hương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết. Bên cạnh cuốn sổ ghi nhận, một thùng đựng đồ đánh rơi cũng được nhà trường bố trí đặt ở ngay sảnh trường. Học sinh tự bỏ những món đồ nhặt được vào thùng như cây bút chì, áo khoác, dây sạc điện thoại, chai nước… và những học sinh đánh rơi sẽ tự đến tìm lại.
Theo cô Hương, những việc làm này đã được nhà trường duy trì trong nhiều năm nay. Và như trở thành một thói quen, học sinh trong trường nhặt được bất cứ món đồ gì không phải của mình đều tìm cách gửi trả lại. Nếu phòng Ban Giám hiệu khóa cửa, các em sẽ mang ra phòng âm thanh, nếu phòng âm thanh cũng đóng cửa, các em sẽ gửi ở văn phòng, gửi thầy cô trong trường… Không chỉ học sinh, cô Hương cho hay các chú bảo vệ, các cô bảo mẫu, mỗi khi nhặt được đồ cũng mang vào phòng Ban Giám hiệu gửi lại. “Những việc làm tử tế, dù rất nhỏ nhưng được nhân lên mỗi ngày trong môi trường giáo dục sẽ là cách tốt nhất để dạy học sinh về sự tử tế”, cô Hương chia sẻ.
Đến các bài học đạo đức giá trị
“Bài học đạo đức “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” không phải là mới nhưng lại không dễ để thực hiện, không chỉ với trẻ em mà ngay cả với người lớn. Vì thế, để bài học đạo đức này đi vào lòng học sinh một cách nhẹ nhàng, nhà trường đã thực hiện qua mọi kênh, từ tuyên truyền đến khen thưởng, khích lệ”, cô Hương cho hay.
Cuốn sổ ghi nhận việc tử tế mỗi ngày của học sinh
Hàng tuần, những học sinh trả lại của rơi đều được nhà trường nêu tên biểu dương trước cờ. Giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ biểu dương trước lớp, đồng thời thông báo đến phụ huynh qua tin nhắn điện tử hoặc thông báo miệng về những việc làm tốt, hành vi đẹp của học sinh để phụ huynh cùng chung tay giáo dục và nhân lên những hành vi đẹp này. Trước đó, khi mang trả lại đồ ở phòng Ban Giám hiệu, các em sẽ nhận được bông hoa việc tốt từ cô Hiệu trưởng hoặc những viên kẹo, món quà lưu niệm, hay những cuốn truyện tranh từ cô Hiệu phó. “Vài ngàn đồng dù rất nhỏ nhưng lại dần hình thành trong các em nhân cách đẹp. Giá trị của việc làm không nằm ở giá trị của món đồ mà nằm ở hành vi, tạo thành thói quen. Khi trả lại đồ, người mất tưởng như đã không tìm lại nhưng cuối cùng được trao trả tận tình, các em sẽ hiểu được rằng mình làm việc tốt là mình đã mang niềm vui đến cho người khác. Đồng thời cũng mang lại niềm vui cho mình”, cô Hương nói. Ngược lại, số tiền học sinh nhặt được không có người đến nhận được nhà trường thống kê chi tiết, hàng năm đưa vào Quỹ khuyến học của trường để chăm sóc cho các em học sinh khó khăn trong trường. Mỗi năm, số tiền được “sung quỹ” này cũng lên đến vài triệu đồng. “Những bài học đạo đức nếu chỉ dạy suông, dạy theo kiểu hô hào thì sẽ ít hiệu quả. Nhưng nếu được làm thường xuyên, liên tục, để các em nhìn thấy mỗi ngày thì lại trở thành thói quen, từ đó hình thành nhân cách tốt. Bài học trả lại của rơi không chỉ dạy các em về tính trung thực, thật thà, hiểu và trân quý giá trị của sức lao động, mà còn là bài học về lời cảm ơn, giá trị của niềm vui. Để có một xã hội toàn những việc tử tế, ngay trong mỗi nhà trường, mỗi gia đình cần phải tạo ra môi trường của những việc làm tử tế”, cô Hương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)