1. Trong giờ văn, cô T. gọi học sinh (HS) lên trả bài: “Em Nguyễn Thị Minh A. mang theo quyển tập làm văn để tôi kiểm tra!”. Em HS bé nhỏ rụt rè, bước lên, ấp úng: “Dạ… dạ, thưa cô, mấy hôm nay nhà em có việc nên em chưa… chưa làm bài tập làm văn ạ!”. “Bận nè, lúc nào cũng có lý do hết! Bực mình quá đi!”. Vừa nói, cô giáo thẳng tay tát em một cái nảy lửa! Chưa hả giận, cô còn cầm quyển tập lên, xé toạc ra làm nhiều mảnh. Những tờ giấy trắng bay lả tả trong lớp trước những ánh mắt lấm lét sợ hãi của các HS khác. “Về chỗ ngay!”, cô giáo cáu gắt. Em HS khóc thút thít, lủi thủi về chỗ ngồi. Những HS khác ngồi im re, lấm lét nhìn nhau trước cơn thịnh nộ của cô giáo.
2. Cô T. tức giận cũng phải! Ở trường này, ai cũng biết tiếng cô, một giáo viên rất nghiêm khắc và yêu cầu cao với HS. Cô có biệt tài dạy HS yếu. Em nào yếu kém, học cô cũng đều tiến bộ rõ rệt. Ở trường dạy không đủ, về nhà cô kèm cặp thêm. Bao nhiêu bí quyết, kinh nghiệm cô truyền đạt hết, chỉ cần làm đúng theo sự hướng dẫn của cô là có thể viết văn từ đạt yêu cầu, đến viết hay. Vậy mà, học kỳ I năm nay, lần đầu tiên cô bị mất điểm thi đua vì HS lớp A2 này! Bảng kết quả với những điểm 2, 3, 4 làm ảnh hưởng đến thành tích và uy tín của cô! Điều này khiến cô buồn bực cả tuần nay. Bực nhất là Minh A., một HS yếu trong lớp, gần đây em không quan tâm gì đến lời giảng của cô! Vào lớp, mặt em cứ đơ đơ ra như người mất hồn. Cô đã áp dụng biện pháp mạnh, vẫn chưa thấy em chuyển biến. Cô đã nhiều lần mời phụ huynh, đề nghị cho em đến nhà để cô kèm cặp thêm, nhưng vẫn không thấy phụ huynh nói gì. Mới tuần rồi, cô đã gặp riêng em, dặn dò từng chút, nhưng hôm nay, em vẫn lì lợm không làm bài, hỏi sao cô không nổi xung thiên!
3. Nhưng, điều phiền phức đã xảy đến! Ngày hôm sau, cuối buổi dạy, cô được mời gặp hiệu trưởng. Bước vào phòng, cô giật mình thấy mẹ em Minh A. đã ngồi sẵn ở đó. Thầy Hiệu trưởng nghiêm sắc mặt: “Hôm nay phụ huynh phản ánh là cô đã tát vào mặt và xé tập của em Minh A., có đúng như vậy không?”. Thoáng chút bất ngờ, nhưng rồi cô trấn tĩnh: “Dạ đúng ạ! Tại vì em ấy không làm bài ở nhà và rất nhiều lần không thực hiện yêu cầu của giáo viên. Nếu em không dùng biện pháp mạnh như vậy thì làm sao có thể đẩy tỉ lệ bộ môn lên như trường mong muốn. Em thấy cần phải nghiêm khắc với HS mới đạt chất lượng”. Thầy Hiệu trưởng chau mày, nhìn thẳng cô và nói: “Chất lượng là cần thiết nhưng có những thứ khác cần hơn cô à! Đó là tình thương, sự quan tâm đối với HS và sự tin tưởng của phụ huynh. Cô có biết là ba em Minh A. vừa qua đời trong tuần qua không? Ở nhà có chuyện buồn, đến lớp em lại bị như vậy, cô thấy được không?”.
Như bị một luồng điện chạy thẳng vào người, cô tái mặt: “Dạ em không biết! Tại… phụ huynh không nói gì với em cả!”. Mẹ em Minh A. nãy giờ ngồi im, lên tiếng: “Thưa cô, chồng tôi chết thì làm sao tôi có đủ bình tĩnh để báo cho cô được? Nếu sau này con của cô đi học mà bị giáo viên hành xử như vậy, liệu cô có chịu nổi không? Nhìn má con bầm tím, tôi đau lòng lắm, cô có biết không? Chưa làm mẹ nên cô không hiểu thế nào là nỗi đau của người mẹ!”. Phụ huynh còn nói thêm nhiều, nhiều nữa. Mỗi lời nói của bà như ngọn roi da quất vào lòng cô giáo. Tai cô T. bỗng lùng bùng, mắt cô mờ đi. Những giọt nước mắt trào ra. Lần đầu tiên trong nghề dạy học mới có người “xỉ vả” cô như vậy…
4. Tiễn phụ huynh ra cổng, quay lại phòng, thầy Hiệu trưởng ngồi thừ suy nghĩ. Không ngờ cô giáo T. giờ đổi khác nhiều quá! Còn đâu hình ảnh một cô giáo xinh đẹp dịu hiền, dễ mến ngày nào! Hồi mới về trường, cô thường mặc chiếc áo dài trắng, trông rất thánh thiện. Mới về trường, cô đã từng òa khóc khi bị HS “quậy”, vậy mà giờ đây nhiều HS phải khóc vì cô! Gần đây, hầu như tuần nào ông cũng nghe phản ảnh thái độ cư xử cộc cằn, nóng nảy của cô. Tệ hơn nữa, nhiều phụ huynh còn lên án cô dùng “chiêu” để lôi kéo HS về nhà dạy thêm. Phải chăng kết quả ấy, thành tích ấy đã được xây trên cái nền tảng như vậy? Hèn chi, cô được gán cho một cái tên độc là “bà la sát”… Ông vừa nghe cô nói: “Cần phải nghiêm khắc với HS để đạt chất lượng”. Chất lượng là cần thiết và cô đã góp công đào tạo nhiều HS giỏi môn văn và giảm tỉ lệ HS yếu kém. Nhưng để đạt được nó mà trường phải bị mang tiếng, phụ huynh thưa kiện, HS bất mãn thì chất lượng để làm gì hở cô? Ông chợt rùng mình khi nghĩ đến sự thật phũ phàng, đến nguyên do chính thúc đẩy cô có những hành động o ép HS như vậy! Thế thì còn đâu là cái “tâm” trong sáng của người thầy?
Ông cũng nhận ra những chỉ tiêu thi đua của trường đã vô tình biến giáo viên thành những “cua rơ” chạy theo thành tích! Vì nôn nóng đạt chất lượng mà một số giáo viên đã cư xử với HS không thấu tình, đạt lý. Các thầy cô đã quên tìm hiểu kỹ hoàn cảnh HS, lắng nghe các em nói, để có sự cảm thông, dẫn đến hành động thiếu tình người như trường hợp vừa rồi.
Đúng lý ra, ông không cho cô T. gặp trực tiếp phụ huynh như vừa rồi mới phải. Nhưng đã nhiều lần ông “bao che” rồi mà vẫn chưa thấy cô sửa sai, nên lần này, ông buộc phải cho cô đối mặt với phụ huynh để cô thấy được hậu quả việc mình làm và được nghe phụ huynh nói lời thật. Lời thật có thể mất lòng, nhưng thà cho đau một lần… Vâng! Cô T. đã cảm thấy đau thật sự!
An Nhiên
Bình luận (0)