Giáo viên là “tổng đạo diễn” của lớp học nên phải có kỹ năng điều hành hoạt động học tập cho học sinh bằng nhiều hình thức như: hoạt động lớp, hoạt động cá thể…
|
Đối với bộ môn sinh, nếu không thay đổi phương pháp giảng dạy thì không thể có một tiết học sôi nổi và hào hứng.
Với đặc trưng của bộ môn, sinh học là một môn khoa học nghiêng về trực quan – sinh động hơn là những gì xa xôi trừu tượng. Đa số học sinh ham thích học bộ môn này vì kiến thức rất gần gũi với cuộc sống.
Đổi mới chưa triệt để
Đối với môn học này giáo viên cần hình thành cho các em một “khoảng trời mới” về nhận thức khách quan chính xác và khoa học về nội dung bài học thông qua các hoạt động “tân tiến” như quan sát, đọc thông tin, nhận biết kiến thức chuẩn, điền vào bảng, trả lời câu hỏi có sẵn hay thảo luận nhóm. Qua đó giúp học sinh khắc sâu bài học, tự tin và yêu thích môn học này hơn. Sau một năm thực hiện chương trình “Đổi mới phương pháp dạy học bậc THCS” do Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận phát động, chúng tôi thấy trong ngành đã hình thành nhận thức rõ nét cho từng đối tượng và tạo được sự chuyển biến nhất định trong việc đổi mới phương pháp dạy học trong tập thể giáo viên. Tuy nhiên, phương pháp dạy học truyền thống đọc chép vẫn còn tồn tại. Một số giáo viên vẫn còn tâm lý e ngại “khi thay đổi phương pháp sẽ không đủ thời gian truyền đạt hết kiến thức cho học sinh” nên diễn giảng vẫn là chính. Nhiều giáo viên chẳng những chưa tích cực trong việc tiếp cận thông tin từ các nguồn tư liệu khác ngoài SGK và sách giáo viên mà còn hạn chế trong việc tổ chức hoạt động của tiết dạy. Về phía học sinh, các em vẫn chủ yếu nghe giáo viên truyền đạt là chính, “làm biếng” khai thác kiến thức và chỉ tiếp thu thụ động một chiều. Không có ý thức tự tìm tòi sáng tạo nên các em không chủ động tham gia giải quyết vấn đề bằng chính khả năng của mình từ đó dẫn đến hệ quả là không hứng thú học bộ môn.
Giáo viên phải là “tổng đạo diễn” của lớp học
Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy được một điều mang tính chân lý: Phương pháp dạy học nào giúp học sinh thể hiện được sự phối hợp các kỹ năng: nghe, quan sát, thảo luận và thực hành thì phương pháp đó hiệu quả hơn, ưu việt hơn. Để thực hiện tốt “lộ trình” đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên chính là người có vai trò chủ đạo, còn học sinh là người sát cánh chủ động, biết sáng tạo, tích cực trong việc khám phá kiến thức mới cho mình một cách tự giác. Từ đó khả năng tự học, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn mới được “trui rèn” để tạo hứng thú và yêu thích bộ môn trong học tập. Do giáo viên là “tổng đạo diễn” của lớp học nên cần phải có kỹ năng tổ chức quản lý và điều hành hoạt động học tập cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như: thảo luận nhóm, hoạt động lớp, hoạt động cá thể… Đây cũng là một “con đường tắt” giúp học sinh tự khai thác, tìm kiếm phát hiện được kiến thức. Bên cạnh đó, thầy cô là người “dàn dựng chương trình” một tiết dạy nên cần nắm vững chuyên môn, nội dung chương trình. Như thế vẫn chưa đủ nếu thiếu sự thường xuyên cập nhật mở rộng kiến thức qua nhiều “kênh” và nguồn tư liệu như SGK, báo đài, mạng internet… Theo chúng tôi, trước khi “vào cuộc” giáo viên chuẩn bị một hệ thống câu hỏi khoa học, chính xác, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng học sinh trong mỗi bài giảng. Không dừng lại ở đó, thầy cô có thể cung cấp thêm các thông tin mở rộng mà SGK chưa có hoặc học sinh chưa biết. Sử dụng triệt để và phù hợp phương tiện trực quan: tranh ảnh, phim, clip, băng hình… để giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức. Lời khen với người khác không bao giờ dư thừa nên giáo viên cần biết động viên học sinh bằng các hình thức như lời khen, tuyên dương, khen thưởng, trao quà, ghi điểm…
Đối với học sinh, cần chủ động tham gia giải quyết các vấn đề bằng chính khả năng của mình, chống lại thói chây lười, “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Biết làm việc theo nhóm theo hướng tự học, hợp tác cùng học cùng nghiên cứu để giải quyết các vấn đề trong học tập. Tự phát hiện các vấn đề hoặc nhận thức các vấn đề do giáo viên nêu ra để tìm cách giải quyết. Tự đánh giá, nắm kiến thức, kĩ năng của bản thân và các bạn trong nhóm học tập cũng như tập thể lớp.
Tuy nhiên, khi thực hiện vẫn không tránh khỏi được những khó khăn. Con đường đó dù có bằng phẳng nhưng vẫn không ít chông gai. Giáo viên phải mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các trang thiết bị cho tiết dạy không thể qua loa, đại khái được. Sĩ số lớp học còn quá đông, cách sắp xếp bàn ghế “lạc hậu” rất khó trong việc chia nhóm thảo luận, chưa có phòng bộ môn đúng tiêu chuẩn. Nhằm giúp cho quá trình đào tạo ra những sản phẩm, những nhân cách biết làm chủ bản thân, biết mình – biết người để hòa nhập, chúng ta có thể làm được điều đó theo chức năng của mình bằng nhiều hình thức, trong đó cần phát huy phương pháp dạy học hợp tác.
Giáo viên Tổ sinh học
(Trường THCS Ngô Tất Tố, Phú Nhuận, TP.HCM)
Giáo viên vẫn luôn đóng vai trò là người chủ đạo giúp học sinh tìm hiểu kiến thức trong tinh thần tự nguyện dẫn đến tính năng động sáng tạo thích tìm tòi, khám phá.
|
Bình luận (0)