Ông bà ta có câu: “Một tấm gương sáng có ý nghĩa và sức thuyết phục bằng cả ngàn bài diễn thuyết”, để thấy được sự ảnh hưởng cũng như sức lan tỏa của những con người tốt, những tấm gương tốt đối với con trẻ. Gia đình là nơi sinh hoạt, giáo dục tốt nhất, cơ bản nhất. Những tấm gương sáng của cha mẹ và các thành viên trong gia đình luôn tác động hết sức to lớn với chúng. Trong gia đình, cha mẹ là người thầy, mọi cử chỉ, hành động và lời ăn tiếng nói của họ đều là những tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Tục ngữ có câu: “Cha nào con nấy”, cha mẹ mẫu mực sẽ giúp con trẻ dễ trưởng thành và phát triển nhân cách tốt đẹp. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, cha mẹ cần làm gương cho con trẻ noi theo.
Nhà giáo dục lỗi lạc Liên Xô (cũ) Makenrenko đã nói: “Làm cha mẹ mà nghiêm với mình, tôn trọng tổ ấm của mình, chú ý đến mọi cử chỉ và lời ăn tiếng nói của mình, đó là một cách dạy dỗ con trẻ quan trọng nhất, hiệu quả nhất”. Nhiều bậc phụ huynh thường chỉ biết trách con mà không biết tự trách mình, không nghiêm với bản thân. Thế thì làm sao dạy con nên người được. Cha nào con nấy, giỏ nhà ai quai nhà nấy. Cha mẹ chăm chỉ đọc sách, con sẽ chăm học; cha mẹ cần cù lao động con cũng thích lao động; cha mẹ thích âm nhạc – thể thao, con cũng thích ca hát, đá bóng. Đó cũng là sự ảnh hưởng trực tiếp từ những đấng sinh thành của mình.
Cái thiện sẽ đẻ ra cái thiện, cái ác sẽ đẻ ra cái ác, những đức tính và việc làm tốt đẹp thường xuyên sẽ trở thành thói quen tốt. Cha mẹ nhân ái, ăn ở nghĩa tình, con trẻ cũng sống hòa thuận với chúng bạn, thích giúp đỡ người khác – đó cũng là chân lý.
Đại văn hào Nga Tolstoi nói: “Giáo dục con thực chất là tự giáo dục mình. Tự giáo dục mình là phương án giáo dục tốt nhất và hiệu quả nhất”. Cha mẹ là người gần gũi con sớm nhất, nhiều nhất, dài nhất, có tác dụng giáo dục trực tiếp nhất và là tấm gương cụ thể nhất cho con trẻ noi theo. Mọi việc làm và lời nói của họ như một cuốn sách giáo khoa không thành văn gây ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ.
Bác Hồ – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã nói: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.Trẻ em là mùa xuân của đất nước, là mầm xanh của xã hội, là tương lai của nước nhà. Một đứa trẻ được chăm sóc, được giáo dục tốt trong gia đình sẽ là một sản phẩm, một công dân tốt mà nhà trường và xã hội sẽ đón nhận. Và sự kỳ vọng, ước mong của xã hội phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo dục con trẻ trong mỗi gia đình.
Cha mẹ và người thân là những tấm gương, những hình ảnh đầu tiên mà trẻ sẽ vẽ, sẽ mang vào trong tâm hồn trong sáng như những “tấm bảng sạch, như tờ giấy trắng đó”.
Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM)
Bình luận (0)