Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dạy được thiết kế công phu giúp người học dễ tiếp thu

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải bây giờ các trường sư phạm mới nói đến chuyện đổi mới phương pháp giảng dạy mà vấn đề này đã được đặt ra từ rất lâu, nhất là với giảng viên ĐH nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong việc truyền tải kiến thức cho sinh viên (SV) – những thầy giáo tương lai của các trường phổ thông. Theo tôi, mục đích cuối cùng của đổi mới phương pháp giảng dạy là tổ chức được cách thức tự học cho mỗi SV. Vì tự học tốt sẽ giúp các em có phương pháp nghiên cứu bài giảng sâu sắc hơn chứ không chỉ thông qua việc tổ chức thảo luận, trao đổi theo nhóm một cách hình thức. Mặt khác, do số giờ học trên lớp ít nên đòi hỏi SV phải dành nhiều thời gian và công sức tự học ở nhà. Để làm tốt điều này, trước khi dạy từng học phần bắt buộc người thầy phải có kế hoạch giảng dạy cho cả giảng viên (GV) lẫn SV, trong đó chú trọng cách thức học và nghiên cứu có lợi cho người học. GV phải hướng dẫn SV bàn bạc những vấn đề mới của kiến thức rồi cách lựa chọn tài liệu, giáo trình để học cho phù hợp. Ví dụ, tôi đang dạy chương ngôn từ, tác phẩm và loại thể thì phải cung cấp tài liệu về mục tiêu bài học, hệ thống câu hỏi hướng dẫn, cách thức làm việc của thầy và trò, các tài liệu liên quan và cần có… cho SV. Chú ý câu hỏi định hướng, những chỗ khó để SV “khoanh vùng” thảo luận, tự học và thực hành với mục đích cho việc học có định hướng. Có thể nói, những giờ dạy được GV thiết kế công phu sẽ giúp bài giảng chuyên sâu và dễ tiếp thu hơn đối với người học. Hơn nữa GV phải nhận thức đúng về cách dạy mới vì thực tế nhiều người đã quen với phương pháp cũ nên ngại đổi mới do mất nhiều công sức và thời gian.
Bài thi, đề kiểm tra cũng phải đổi mới vì nếu theo mãi một đường mòn thì các em không cần học nhiều mà vẫn làm bài được, dễ đi tới chủ quan. Đề bài làm sao vừa đáp ứng yêu cầu kiểm tra kiến thức trên lớp vừa đánh giá được việc tự học của SV. Đối với bộ môn ngữ văn, do đặc trưng bộ môn thiên hướng nghệ thuật nếu lạm dụng phương pháp giảng dạy hiện đại bằng máy móc thì bài giảng sẽ thiếu hồn, mất đi sự truyền cảm, rung động rất dễ bị khô cứng. Giảng dạy ngữ văn theo phương pháp truyền thống rất có lợi vì yếu tố ngôn từ, giọng điệu, cử chỉ của GV có một vai trò quan trọng và đặc biệt.
ThS. Trần Thị Thúy Liễu
(Trưởng khoa Sư phạm khoa học xã hội – Trường ĐH Sài Gòn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)