Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường học xoay trở với tiền ăn

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với việc tính đến phương án tăng giá tiền ăn bán trú, tăng học phí, nhiều trường đang tìm cách tạm thời chống chọi với giá tăng. Tại Hà Nội, nhiều trường học đang dè dặt nhích mức tiền ăn bán trú lên nhưng cũng chỉ ở mức duy trì chờ quyết định tăng phí vào mùa tuyển sinh mới.

Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã chuyển sang tự nấu phục vụ bữa ăn xế cho học sinh thay vì mua thức ăn như trước đây. Trong ảnh: học sinh của trường ăn trưa – Ảnh: Như Hùng
Theo bà Đỗ Thị Tâm – hiệu trưởng Trường mầm non Sao Sáng, Hà Nội, từ đầu học kỳ II trường không thể tổ chức bữa ăn bán trú với giá 10.000 đồng/ngày/trẻ do giá thực phẩm tăng chóng mặt, nhưng trường cũng chỉ thu thêm 2.000 đồng/ngày/trẻ.
Hướng dẫn bình ổn học phí
Tại TP.HCM, đại diện Phòng GD-ĐT Gò Vấp cho biết sẽ tổ chức nói chuyện chuyên đề về bình ổn giá, lệ phí, học phí dành cho hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận, nhằm hướng dẫn về hoạt động các trường trong tình hình giá tăng.

Dè sẻn chi tiêu

Trước tình hình giá cả tiếp tục tăng mạnh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2011, mức thu trên lại “lạc hậu” khiến chất lượng bữa ăn bán trú của trẻ bị kéo lùi. Đại diện ban giám hiệu Trường tiểu học La Thành, Hà Nội cho biết đã phải tăng từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng/suất ăn/ngày. Tương tự Trường tiểu học Kim Liên tăng từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng/suất ăn/ngày.
Một số trường mầm non, tiểu học tư thục tại Hà Nội ngay sau tết đã tăng mức thu tiền ăn bán trú. Có những trường hiện nay đã thu đến 30.000-35.000 đồng/suất ăn/ngày nhưng vẫn kêu thiếu vì trượt giá.
Trong khi đó, nhiều trường mầm non, tiểu học phải xoay xở bằng cách điều chỉnh thực đơn và tự làm các món ăn đơn giản cho học sinh thay vì mua như trước. Tại Trường tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp, TP.HCM), khoảng hơn một tháng nay, những món tráng miệng sau bữa trưa cho học sinh như rau câu, sữa chua, bánh flan đã được thay thế bằng các loại trái cây có giá rẻ hơn như chuối, củ sắn.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết khi giá cả các mặt hàng tăng và bắt đầu ảnh hưởng đến bữa ăn bán trú của học sinh, nhà trường phải cân đối lại thực đơn, đi chợ linh hoạt hơn, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa không vượt quá khoản tiền cho phép. Hiện nay mỗi học sinh của trường đóng 17.000 đồng/ngày cho bữa ăn trưa (gồm món canh, rau, món mặn và tráng miệng) và bữa ăn xế (hủ tiếu, miến, phở…). Ngoài việc làm công tác tư tưởng đối với phụ huynh và giáo viên, nhà trường cũng yêu cầu nhà bếp cân đối lượng thức ăn sao cho vừa sức ăn của học sinh, đồng thời nhắc nhở học sinh ăn hết suất ăn của mình, tránh lãng phí.
Một số trường mầm non tại Hà Nội cũng thực hiện việc tự làm một số món ăn như sữa chua, sữa đậu nành, đổi loại sữa bột giá rẻ, chuyển từ các loại bánh ngọt cao cấp sang bánh bình dân cho bữa phụ… Bà Hoàng Thị Thanh – hiệu trưởng Trường mầm non Việt Triều, Hà Nội – cho biết tiền ăn bán trú ở trường đã tăng lên đến 20.000 đồng/suất ăn/ngày từ dịp tết, chỉ còn hai tháng nữa kết thúc năm học nên khó thu thêm, trường phải tìm cách điều chỉnh. Ví dụ thay vì mua sữa chua, kem caramen, sữa đậu nành bên ngoài, nhân viên của trường tự làm lấy cho trẻ ăn để giảm chi phí.
Rục rịch tăng tiền trường
Những trường có số lượng học sinh ở bán trú, nội trú đông đang gồng mình chống chọi với việc tăng giá. Tuy nhiên, theo ban giám hiệu một số trường, do mức thu trên học sinh ở các trường tư thục, dân lập vốn đã khá cao (trung bình 3-5 triệu đồng/tháng cho học sinh bán trú và 4-7 triệu đồng/tháng cho học sinh nội trú) nên việc tăng tiền ăn và sinh hoạt phí không thể làm ngay mà phải chờ năm học tới.
Một số trường như tư thục Đông Du (Q.Tân Phú), tư thục Hoàng Diệu (Q.Tân Bình, TP.HCM) đều chưa có kế hoạch điều chỉnh tiền ăn do đây là thời gian tập trung ôn thi và chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm học. Ban giám hiệu Trường tư thục Hoàng Diệu cho biết: “Hiện trường đang tạm thời lấy các khoản dư từ những nguồn khác để đắp vào tiền ăn cho học sinh, đảm bảo chăm sóc tốt cho các em trong mùa thi sắp tới, tránh làm ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh và phụ huynh”.
Trong khi đó, tại Hà Nội, thời điểm này nhiều trường tư thục đã bắt đầu công bố mức học phí và các khoản kinh phí khác sẽ được áp dụng. Trường tiểu học Nguyễn Siêu dự kiến mức thu học phí của năm học tới (áp dụng với học sinh mới) tương đương 200 USD/tháng, lệ phí nhập học là 100 USD (cho tất cả các cấp học), quỹ hỗ trợ phát triển nhà trường là 70 USD/năm, tiền ăn là 770.000 đồng/tháng (35.000 đồng/ngày). Với những học sinh đã học ở trường, mức phí năm học tới dự kiến sẽ tăng.
Trường tiểu học quốc tế Thăng Long Hà Nội cũng thông báo công khai mức kinh phí năm học tới đối với học sinh tuyển mới. Theo đó, tính cả học phí, tiền ăn bán trú, phí chăm sóc bán trú hơn 3.600.000 đồng, riêng tiền ăn là 35.000 đồng/suất ăn/ngày. Một số phụ huynh có con học ở các trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Ban Mai (Hà Nội) cũng đang lo lắng với nguồn tin sẽ tăng tiền trường.
Giải thích cho việc tăng phí, hầu hết các trường dân lập, tư thục đều cho rằng giá cả tăng nên trường ở thế bất khả kháng, không thể không tăng phí.
LƯU TRANG – VĨNH HÀ / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)