Nhóm sinh viên với mô hình máy in gốm 3D được đánh giá có tính ứng dụng cao
Nhằm hỗ trợ những người làm gốm truyền thống bắt nhịp với nhu cầu của đời sống hiện đại, một nhóm sinh viên đã chế tạo chiếc máy in gốm 3D. Sản phẩm xuất sắc đoạt giải nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018.
Nhóm sinh viên gồm Nguyễn Thanh Đô, Nguyễn Văn Dũng và Đoàn Công Trung – học cùng Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Nói về ý tưởng chế tạo máy in, trưởng nhóm Nguyễn Thanh Đô cho biết: “Mỗi lần về thăm quê ở Hội An, em thấy nghề làm gốm ngày càng đi xuống với máy móc thủ công thô sơ… Vì vậy em nảy ra ý tưởng phải làm một-cái-gì-đó giúp cho những người làm gốm truyền thống, đó là đưa công nghệ vào để hỗ trợ sản xuất, in mẫu mã, từ đó dễ dàng tìm được đầu ra cho sản phẩm”.
Sau khi có ý tưởng (tháng 9-2017), Đô mời Nguyễn Văn Dũng và Đoàn Công Trung cùng thực hiện. Trải qua 9 tháng nghiên cứu với rất nhiều khó khăn, máy in gốm 3D trên chất liệu đất sét được hoàn thiện. Đô cho biết máy in truyền thống thường dùng nguyên liệu là nhựa, kim loại, thủy tinh… để tạo hình, còn in với nguyên liệu đất sét khó hơn nhiều nên việc nghiên cứu không dễ dàng. Cụ thể, nhóm phải bỏ công tìm hiểu kỹ về nguyên liệu là đất cũng như quá trình tạo được đất sét như mong muốn trước khi in. “Giai đoạn mất nhiều thời gian và công sức nhất là chế tạo đầu in gốm và xử lý nguyên liệu đất sét thô trước khi cho vào máy. Trong đó cụm đầu in của máy in 3D rất đắt, lên tới vài ngàn Euro tại châu Âu. Để có được cụm đầu in phù hợp, nhóm phải mất thời gian nghiên cứu để tìm cách chế tác phần này với mức chi phí vừa phải nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí như bộ phận in và phần nén đất sét riêng biệt. Tốc độ đất sét đẩy ra đầu in được điều khiển dễ dàng như các loại máy in 3D thông thường”, Đô cho biết.
Để có đất làm thực nghiệm, nhiều lần nhóm về làng gốm Thanh Hà xin, hoặc mua lại những bao đất sét mang về trường rồi từ đó tiếp tục nhào nặn như thợ gốm thực thụ. Ở khâu này, Đô và hai bạn càng hiểu hơn về sự vất vả cũng như kinh nghiệm nhào nặn, chọn lọc đất để cho ra sản phẩm như ý của người làm gốm thủ công.
Máy in 3D hoàn thiện của nhóm có thể in hoa văn trên sản phẩm đất sét với bất kỳ hình dạng nào. Bên cạnh đó, máy cũng có thể dùng cho việc dạy học, làm mô hình kiến trúc… Tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018, máy in gốm 3D của nhóm được đánh giá có tính ứng dụng cao.
Đô cho biết thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu để chuẩn hóa quá trình xử lý đất sét trước khi in; hoàn thiện khả năng in với chất lượng cao hơn, mịn hơn… Khi hoàn thiện sản phẩm, nhóm cũng sẽ nghĩ đến việc khởi nghiệp từ chiếc máy này.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)