Báo Giáo Dục TP.HCM ra ngày 6-4-2011, trên trang 7 có đăng bài: Hiểu như thế nào về dạy cá thể của tác giả Trần Mỹ Lệ (Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM), tôi xin có ý kiến đóng góp thêm.
Ở ý thứ 2, tác giả có đưa ra 2 cách mà thực tế giáo viên (GV) thường áp dụng theo lối dạy cá thể hóa, tôi hoàn toàn thống nhất và đồng ý cách chia này. Nhưng theo tôi, ở cách 1 GV nên chia nhóm theo trình độ của HS; cách 2 cho HS luyện tập cá nhân trên phiếu có màu khác nhau (ngầm phân biệt về trình độ để giao số lượng bài tập phù hợp). Vì khi tiến hành thường xuyên 2 cách này HS sẽ phát hiện ra học lực của mình dạng nào, và đúng như tác giả Mỹ Lệ viết: “Như thế là giáo viên vô tình phân biệt đối xử” với HS. Thực tế khi tôi đi thanh tra dự giờ, tôi còn thấy khi GV tiến hành 2 cách này (như đã nói ở trên) sợ HS không rõ còn giải thích cặn kẽ thêm: “Cô chia theo nhóm như thế này là theo trình độ học tập giỏi, khá, trung bình, yếu; và tùy theo trình độ mà cô giao bài tập nhiều hay ít”, còn khi giao phiếu luyện tập cá nhân cho HS thì cô giáo nói: “phiếu màu trắng dành cho HS giỏi, phiếu màu xanh dành cho HS yếu…”. Như thế còn “phân biệt đối xử” HS ở cấp cao hơn, và có lần tôi chứng kiến cô giáo giao phiếu luyện tập cùng màu (ý tránh HS phát hiện em nào yếu) nhưng số lượng bài tập mỗi em lại khác nhau. Sau khi thực hiện yêu cầu xong, cô giáo tiến hành sửa bài thì có một HS phát biểu: “Thưa cô sao phiếu của em không có bài tập cô đang sửa?”, cô giáo đáp: “Bài tập đó cô chỉ dành cho HS giỏi của lớp”. Không nói ra thì các bạn cũng biết em HS hỏi cô bị hụt hẫng như thế nào vì nhận ra mình chỉ là HS bình thường trong lớp. Khi GV lựa chọn cách nào để dạy theo lối cá thể hóa thì GV phải biết sáng suốt tính toán, dự phòng trước tình huống xảy ra, tránh sử dụng phương pháp nào đó lặp đi lặp lại nhiều lần dễ gây nhàm chán cho HS, nhất là khi HS biết trước cô giáo sẽ làm gì, tiến hành bài dạy như thế nào, bạn nào ở nhóm nào, bạn nào phiếu luyện tập giao việc màu gì… như thế thì tiết dạy sẽ nhàm chán, hiệu quả không cao, chưa nói GV đó “hiểu chưa đúng về dạy theo cá thể hóa”.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)