Một tiết học theo hướng cá thể hóa ở Trường TH Đông Ba (Q.Phú Nhuận)
|
Dạy bậc tiểu học có đặc thù là tùy theo từng đối tượng học sinh (HS) mà giáo viên (GV) đưa ra bài học khác nhau. HS khá, giỏi phải có bài dạy khác với các em yếu và kém. Ngay cả HS giỏi cũng có nhiều mức độ khác nhau nên phải tùy theo nội dung bài, mục tiêu và cả yêu cầu hoạt động. Nói cách khác là cá thể nào, cách dạy nấy.
Xác định được “đường hướng” như thế thì GV mới có định hướng bài dạy rõ ràng và đưa ra các biện pháp phù hợp để khuyến khích năng lực tiềm tàng còn ẩn giấu trong mỗi em HS chứ không theo cách dạy chung chung “đại trà” như trước đây. Cùng là HS tiểu học nhưng các em đầu cấp còn nhút nhát, hay mắc cỡ nên cách dạy phải tự nhiên không gò ép. Còn các em cuối cấp đã lớn, biết tự lập thì GV phải phân tích kỹ năng sống nhiều hơn, cách trình bày vấn đề và nội dung bài giảng cũng phong phú hơn chứ không còn “chật hẹp” như trước nữa. Không chỉ truyền thụ kiến thức cao hơn mà GV còn phải giúp các em tích lũy nhiều kinh nghiệm sống, biết bảo vệ mình để thích ứng với hoàn cảnh. Mỗi bài dạy có thể tùy theo chủ đề mà tích hợp kỹ năng thích ứng môi trường. Muốn đạt được “mong muốn” đó thì thầy cô phải theo sát từng thành viên để lồng ghép một cách khéo léo vào từng bài. Cũng xin mở ngoặc nói thêm, không phải bài nào cũng lồng ghép được mà tùy theo từng mục tiêu bài học. Lại có bài giáo dục toàn phần như “Vệ sinh răng miệng”, nhưng cũng có bài chỉ giáo dục bộ phận, chỉ cho một hoạt động nào đó mà thôi. Có những bài giáo dục liên hệ như bài “Năng lượng, vật liệu kim loại” thì lồng ghép ý thức giữ gìn và cách bảo quản kim loại như thế nào cho tốt và được bền trong sử dụng.
So với các bậc học khác, dạy bậc tiểu học có thuận lợi là một thầy, cô chỉ dạy một lớp. Nhờ có “may mắn” đó mà GV biết rõ tên, “mặt bằng” trình độ và đặc điểm tâm sinh lý của từng thành viên trong lớp. Mỗi bài dạy theo hướng cá thể phải nghiên cứu kỹ không thể qua loa đại khái. Vì thế GV phải bỏ công sức nhiều hơn trong khâu chuẩn bị như tổ chức các hoạt động, hệ thống các loại câu hỏi, dự đoán được cả những câu trả lời của từng em. Phải biết em nào yếu và yếu ở mức độ nào để đưa ra câu hỏi với nhiều mức độ khác nhau. Thông thường HS nữ hay rụt rè, mắc cỡ nên thầy cô phải khéo léo, tế nhị và biết cách dẫn dắt tự nhiên để các em tự tìm hiểu. Dạy theo hướng cá thể hóa thì sẽ “cải tạo” được các em HS yếu kém, thụ động để các em “hòa đồng” cùng các bạn. Muốn vậy, GV phải tìm được biện pháp và cách tổ chức để khơi gợi óc sáng tạo, tính tự lập và năng lực tự học hỏi. Cũng cần chú ý, tâm lý các em hay bắt chước, thích tìm hiểu mặt khác ngoài xã hội nên rất hay hỏi. Vì thế GV phải nắm bắt được tình hình thời sự xã hội và cả những kiến thức ngoài bài học để “ứng phó” kịp thời với các em như sóng thần là gì? Sao lại có động đất?…
GV dạy sáng tạo thì HS cũng phải học sáng tạo. Không học theo kiểu rập khuôn, máy móc và biết mở rộng môi trường học như qua sách báo, bạn bè, xem hình ảnh… Riêng học qua mạng internet thì phải có cha mẹ giám sát và kiểm tra để các em không “đi” lạc hướng… Tuy nhiên, dù dạy theo phương pháp nào thì GV cũng không được tách các thao tác nghe, chép, hoạt động. Qua hướng dẫn của thầy cô, các em sẽ tự tổ chức, tự tìm hiểu và chiếm lĩnh kiến thức. Thực tế giảng dạy cho thấy, các lớp đầu và cuối cấp (khối 1 và khối 5) dễ áp dụng thành công phương pháp này.
Biết rằng tốn nhiều công sức và thời gian nhưng nếu thầy cô nào cũng toàn tâm toàn ý thì việc áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến nào cũng sẽ đi đến thành công.
Chu Thị Hạnh
(Phó hiệu trưởng Trường TH Phù Đổng, Q. Bình Thạnh)
Muốn dạy học cá thể hóa thì cấu trúc bàn ghế phải thay đổi cho phù hợp với phương pháp này, như mỗi bàn một em và có thể di chuyển được.
|
Bình luận (0)