Nhìn vào bức tranh giáo dục, từ lâu chúng ta đã thấy những vấn đề bức xúc đang ngày một dồn lên như một mảng màu đậm dần theo nỗi bức xúc của toàn xã hội. Hằng năm, chúng ta đã có những thành công từ các cuộc thi đỉnh cao về trí tuệ tầm quốc gia cũng như quốc tế ở các môn học được giảng dạy trong nhà trường.
Giáo viên hướng dẫn học sinh trong lớp ở Phần Lan – Ảnh tư liệu |
Thế nhưng, để gọi là gặt hái thành quả từ những thành công ấy, sao đến bây giờ nền giáo dục của chúng ta vẫn chưa thể đạt được sự hài lòng từ xã hội.
Hằng năm, chúng ta cũng đã thực hiện hàng loạt cuộc hội thảo, tập huấn xung quanh vấn đề cải cách giáo dục. Những chương trình giảng dạy thay đổi liên tục, các cuộc hội thảo với các mô hình giảng dạy áp dụng từ các nước tiên tiến cũng được nền giáo dục chúng ta cập nhật thường xuyên. Bản thân người giáo viên không ngừng được trang bị các kiến thức mới.
Vậy nhưng phải đến khi đọc bài “Châu Á “nhập khẩu” mô hình giáo dục Phần Lan: vì sao không thành công?” ở vai trò người dạy, tôi đã lý giải được những thắc mắc của mình một cách thuyết phục.
Với một chế độ đào tạo – đãi ngộ – làm việc như mô hình giáo dục của Phần Lan như thế, chả trách gì họ không thành công khi áp dụng nguyên tắc giáo dục “một người vì mọi người và mọi người vì một người”. Với tất cả điều kiện tuyệt vời như thế, mục tiêu giáo dục của họ cũng chỉ nhằm đưa học sinh đến cái đích cuối cùng là nắm vững kiến thức.
Trong khi nhìn lại chúng ta, cũng với nguyên tắc giáo dục lấy học trò làm trung tâm, nhưng vai trò người thầy sẽ rất khó xoay xở với một lớp học có đến gần 50 học trò. Hơn thế, mỗi giáo viên trong một năm học thường sẽ phải phụ trách 150 – 600 học sinh tùy môn dạy của mình. Chỉ tính về số lượng học sinh, người dạy đã quá vất vả trong việc nắm bắt khả năng tiếp thu của từng học sinh, đừng nói gì đến việc theo dõi để kịp thời bổ sung điều chỉnh khả năng tiếp nhận của các em.
Đó là chưa kể ở những trường chuyên lớp chọn, giáo viên phải có nhiệm vụ tìm ra những hạt giống để bồi dưỡng các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp trường đến cấp quốc gia, quốc tế.
Cái chính là chúng ta đang cần một sự toàn diện từ nền giáo dục phổ thông. Với tư cách một công dân bình thường, chúng tôi cần những nhà nghiên cứu giáo dục thế nào để con cái chúng tôi được đến trường trong niềm vui được học tập, chứ không phải buộc đến trường để thu lượm kiến thức.
Mỗi con người sinh ra từ những vị trí có thể khác nhau, tư chất khác nhau nhưng đều cần được thụ hưởng một nền giáo dục bình đẳng, để từ đó vươn đến chiếm lĩnh những tri thức mà bản thân người đó cảm thấy cần. Cái đó gọi là nền tảng.
Ở cương vị người đi dạy, hãy để mỗi người thầy lên lớp được làm đúng chức năng phận sự của mình, đó là giảng dạy kiến thức bằng tất cả sự hiểu biết và kỹ năng của mình. Thiết nghĩ đã đến lúc xã hội nên nhìn nhận lại chức năng và vai trò của người thầy. Làm thầy, nghĩa là truyền thụ kiến thức. Mỗi người thầy chân chính trước hết đã là một công dân chân chính nên đừng hô hào đó là một nghề cao quý cần phải biết hi sinh một cách ấu trĩ.
Đồng ý rằng những người làm nghề dạy học cần phải h sinh nhiều hơn, nhưng đó là sự hi sinh cho những trăn trở nghiên cứu phục vụ việc giảng dạy của mình, chứ không phải hi sinh thời gian và công sức cho việc làm thay bộ phận hành chính và quản sinh với đủ thứ công việc như giáo viên chúng ta đang phải làm hằng ngày hiện nay.
LÊ THƯỜNG XUÂN / TTO
Bình luận (0)