Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Quy định dạy, học thêm: Bổn cũ soạn lại

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, quy định về quản lý dạy thêm học thêm của UBND TP Hà Nội vừa ban hành không khác gì quy định trước đó nên khó có thể ngăn được nạn dạy thêm, học thêm cưỡng bức.

Học sinh tiểu học liệu có tránh được nạn học thêm cưỡng bức.
Ảnh: Hồng Vĩnh

 Mất kiểm soát

Quy định quản lý dạy thêm, học thêm của UBND TP Hà Nội có hiệu lực hôm qua (theo Quyết định số 14/2011). Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên thành phố ban hành quy định về vấn đề này. Cùng với Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm năm 2007 (Quyết định 132/2007). Như vậy, đến đầu tháng 4-2011, Quyết định 132 vẫn có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều năm qua, các cơ quan hữu quan gần như không kiểm soát được việc thực thi Quyết định 132. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, tình trạng giáo viên tiểu học dạy thêm cho học sinh (chủ yếu là học sinh của chính mình) khá phổ biến.
Chiều qua, chúng tôi phỏng vấn ngẫu nhiên 8 phụ huynh của 6 trường tiểu học và THCS học 2 buổi/ngày ở 4 quận nội thành (Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình), tất cả xác nhận con họ vẫn phải học thêm ngoài giờ học chính khóa.
Chị L., một phụ huynh trường tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, cô giáo thuê phòng của một hộ dân ở gần trường để tổ chức dạy thêm. Do lớp quá đông (hơn 60 học sinh), cô phải chia lớp thành hai nhóm lớn. Một nhóm học vào sáng thứ bảy, một nhóm học sáng chủ nhật.
Học phí năm ngoái 50.000 đồng/buổi/học sinh; năm nay tăng thành 70.000 đồng/ buổi/ học sinh. Chị L. tính: “Trừ tiền thuê phòng, tính sơ sơ cô giáo thu được khoảng 15 – 16 triệu đồng/ tháng từ tiền dạy thêm. Với mức thu này, quả là cô khó mà cưỡng lại việc dạy thêm”.
Một số phụ huynh cho biết, họ tự nguyện cho con đi học, thậm chí có nhiều lớp học thêm do phụ huynh đứng ra tổ chức rồi mời cô giáo của con mình đến dạy. Nhưng một phụ huynh nói thêm: “Biết cô dạy thêm mà không cho con theo thì bố mẹ không yên tâm. Do đó, mỗi năm đi họp phụ huynh nhiều người chỉ cầu mong đừng phụ huynh nào đặt ra việc học thêm. Chỉ cần một vài phụ huynh có nguyện vọng là cả lớp khổ theo”.
Hỏi các phụ huynh về quy định của Hà Nội cấm nhà trường và giáo viên dạy thêm cho học sinh tiểu học, học sinh THCS học 2 buổi/ngày, tất cả phụ huynh cho biết họ không quan tâm vì quy định này chỉ là hình thức.
Trả lời Tiền Phong, một số cán bộ quản lý giáo dục cũng thừa nhận các trường gần như không kiểm soát được việc giáo viên của mình dạy thêm.
Quy định mới, nội dung cũ
Nhiều ý kiến cho rằng quy định mới của Hà Nội là động thái thể hiện quyết tâm chấn chỉnh tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, một số phụ huynh và cả cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở tỏ ra thất vọng khi biết Quyết định 14 không khác gì quyết định 132 ban hành năm 2007. Mức độ khác nhau của hai văn bản chỉ ở ngày ký và người ký (trước là Phó Chủ tịch UBND Ngô Thị Thanh Hằng, nay là Phó Chủ tịch UBND Phí Thái Bình)!
“Họ cấm dạy thêm học sinh tiểu học nhưng lại cho phép luyện kỹ năng đọc, viết cho học sinh. Như vậy khác gì cho phép dạy thêm học sinh lớp 1 vì những em này nếu đi học thêm cũng chủ yếu luyện viết, đọc”, chị Hoàng, cán bộ một cơ quan bảo hiểm xã hội quận Hoàn Kiếm bình luận.
Hiệu trưởng một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng băn khoăn: “Trên cấm dạy thêm, học thêm nhưng giáo viên bảo họ không dạy thêm mà chỉ nhận… trông trẻ giúp bố mẹ học sinh. Trong lúc trông trẻ, họ có thể thay cha mẹ học sinh kèm các cháu. Chẳng có văn bản nào phân định sự khác nhau giữa dạy thêm với tổ chức trông trẻ nên hiệu trưởng rất khó kiểm soát giáo viên của mình làm đúng quy định”.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cũng cho rằng, quy định của thành phố giao nhiều trách nhiệm cho cơ quan giáo dục các cấp quản lý việc dạy thêm học thêm nhưng lại không đề cập đến kinh phí cho việc này.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân nói: “Trong quyết định 132 cũng như Quyết định 14 đều yêu cầu chỉ thu tiền phục vụ trực tiếp cho dạy thêm học thêm. Cấp quận/ huyện phải thành lập ban chỉ đạo quản lý dạy thêm học thêm, tổ chức kiểm tra để phát hiện sai phạm, nếu không có kinh phí trích ra một phần từ việc dạy thêm thì thành phố phải có nguồn cho ban chỉ đạo này hoạt động. Đằng này chúng tôi không có nguồn nào để chi, nhân lực thì eo hẹp, chúng tôi kiểm tra thế nào đây?”.
Ông Phạm Hữu Hoan, Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sắp tới Sở sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra việc quản lý hoạt động dạy thêm học thêm trên toàn thành phố. “Tham vọng ban đầu của chúng tôi chỉ là kiểm tra về mặt hành chính, đảm bảo tất cả tổ chức, cá nhân dạy thêm học thêm trên toàn thành phố phải được cấp phép. Còn tính chất hoạt động như tự nguyện hay ép buộc sẽ tính sau”.
Ông Hoan cũng cho rằng quản lý hành chính hoạt động này ở cấp tiểu học khó khăn bởi các quy định chưa thật sự rõ ràng. “Nên hướng dẫn cụ thể hơn về việc thực hiện quy định của thành phố do các phòng chuyên môn của Sở, quận, huyện soạn thảo”, ông Hoan đề xuất.
Quý Hiên / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)