Trong nguyên truyện, không chỉ có việc Tú bà cấu kết với Sở Khanh làm hại đời Kiều mà Tú bà còn bày trò đê tiện. Đuổi bắt Thúy Kiều mụ còn đem theo một tên đày tớ tên là Đô Trá. Cho Đô Trá trốn trong bụi cây rồi “phát hiện” Thúy Kiều chạy trốn theo Đô Trá, một kẻ ở hèn hạ trong nhà.
Nguyễn Du đã bỏ chi tiết này. Một chi tiết tuy khắc họa tính cách thâm độc, xảo trá của mụ Tú nhưng có vẻ đóng kịch, thô thiển. Nguyễn Du chỉ cần viết: Tú bà tốc thẳng đến nơi. Có hai nhãn tự: tốc và thẳng. Tốc nguyên gốc chữ Hán: mau lẹ, mau chóng. Tốc thường kết hợp với một Hán tự: tốc độ, tốc hành, tốc ký, tốc lực… Nhưng ở đây không mấy ai chú ý đến ngữ nghĩa chữ Hán ấy. Người đọc hiểu ngay: mụ Tú đã mau lẹ chạy đến bắt Kiều. Dùng một từ Hán trong câu thơ thuần Việt, Nguyễn Du đã Việt hóa chữ Hán tài tình. Nguyễn Du không cần nhắc đến chuyện Đô Trá, tất cả bút lực tập trung cho một mụ chủ chứa lầu xanh và tên vô lại tay sai. Thúy Kiều đi trốn, tất mụ Tú phải đi tìm, thế tại sao lại tốc thẳng, tức đến nhanh một chỗ đã định. Từ ngữ nghe đơn giản mà nói lên được cái vẻ bực tức (tất nhiên là đóng kịch) của mụ Tú lại nói được sự câu kết của hai kẻ vô lương.
Thúy Kiều đã bị lừa, chỉ còn có cách cắn răng mà chịu nhục, chịu đòn roi. Tú bà tốc thẳng đến nơi/ Hăm hăm áp điệu một hơi về nhà/ Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra/ Dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
Nguyễn Du lại một lần nữa tinh tế trong việc chọn từ. Ví như câu: Hăm hăm áp điệu một hơi về nhà cũng có thể viết: Hăm hăm dẫn giải (hay bắt giải) một hơi… Dùng từ áp quả đã đưa Thúy Kiều vào tội phạm pháp. Nơi nha môn thường dùng chữ áp giải tức giải kẻ phạm tội đến một nơi khác. Nguyễn Du viết vậy cũng là công nhận Thúy Kiều không còn phương cứu chữa.
Nguyễn Du cũng đã bỏ chi tiết trong nguyên truyện: Thúy Kiều bị lột hết quần áo ngoài, mụ Tú treo ngược Kiều lên xà nhà và tự cầm roi đánh đập dã man. Nguyễn Du chỉ nói: Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa cũng đủ để người đọc trông thấy cảnh đau lòng ấy.
Điều đặc biệt ở đây là Nguyễn Du kêu lên một tiếng khóc thương: Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau. Nguyễn Du khóc cho Thúy Kiều hay khóc cho thân phận bao người cùng khổ. Tác giả của Văn tế thập loại chúng sinh đang đau lòng, xót ruột!
Đó là nỗi đau khổ thể xác. Còn tinh thần? Bị lừa, bị oan ức, lòng trắng trong chỉ muốn trốn khỏi chốn lầu xanh mà bị đầy đọa, sỉ nhục.
Nhưng đau đớn hơn là Thúy Kiều phải than khóc, van lạy một con người đáng ghê tởm. Hãy nghe lời kêu van thảm thiết của Thúy Kiều. Rằng: “tôi chút phận đàn bà/ Nước non lìa cửa, lìa nhà đến đây/ Bây giờ sống chết ở tay/ Thân này đã đến thế này thì thôi…”.
Đớn đau là vậy, Nguyễn Du còn đẩy sự đứt ruột đau lòng ấy đến tột cùng: Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Chao ôi! ở đời có thể xin chừa thói hư tật xấu, ai lại hứa từ bỏ tấm lòng trong trắng, trong sạch? Nếu ta luận về xã hội Thúy Kiều sống hay chung cho mọi xã hội, mọi thể chế: con người xin từ bỏ sự trong trắng, trinh bạch, xã hội ấy là một xã hội thế nào? Khi sự trong trắng, trinh bạch bị loại bỏ, còn lại là hạng người nào, tâm tính họ ra sao? Xin dừng sự luận bàn.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)