Ở một số nơi, ngày hè, tổ chức Đoàn – Đội địa phương gắn với các sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh có tổ chức vài hoạt động, như sinh hoạt nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, tổ chức các lớp ôn tập hè, các hoạt động văn thể mỹ…, nhưng nhìn chung là không đều và kém sôi động, ý nghĩa cũng có mức độ. Có nơi tổ chức các lớp ngoại khóa như học năng khiếu, ngoại ngữ… nhưng không thu hút nhiều HS tham gia và sự hào hứng cũng không nhiều.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) xem sách tại một ngày hội sách do trường tổ chức. Ảnh: Thy Dương |
Trong bối cảnh đó, nhà trường cần tổ chức các hoạt động thu hút được đông đảo HS, tạo sự gắn kết giữa HS và nhà trường mà lại thực sự có ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt. Một trong các hoạt động đó có thể là tổ chức các ngày hội đọc sách trong dịp hè. Ngày hội này nhằm khơi gợi tinh thần, tình yêu đọc sách của HS, giúp các em tiếp thu được những kiến thức bổ ích và có được cách thức giải trí lành mạnh trong những ngày hè thay vì chỉ tập trung vào điện thoại, máy tính bảng, ti vi… Ngày hội cũng tạo sự quan tâm đến việc đọc sách của các bậc cha mẹ đối với trẻ, thay vì bắt con học thêm, học trước, học năng khiếu quá nhiều hoặc “bỏ phế” con với các trò chơi vô bổ. Với nhà trường, ngày hội này cũng giúp nâng cao tình yêu với sách của giáo viên, tạo một sân chơi lành mạnh cho HS và có sự gắn kết giữa HS với nhà trường trong kỳ nghỉ.
Ngày hội đọc sách có thể gồm một số hoạt động chính: tổ chức quyên góp sách, trao đổi sách giữa HS, phụ huynh và nhà trường, giữa HS với nhau, tổ chức các buổi tặng sách…; chẳng hạn, hàng tuần, vào một ngày nhất định, có thể tổ chức “ngày trao đổi sách”, để HS mang sách mình đã đọc rồi vào trường để trao đổi với nhau nhằm giúp bản thân và các bạn có thêm sách mới. Nhà trường cũng có thể tổ chức hoạt động “đọc sách cùng con” với yêu cầu mỗi HS phải cùng đọc một quyển sách với cha hoặc mẹ, rồi cả HS và cha/mẹ trình bày suy nghĩ vì sao chọn đọc quyển sách đó, quyển sách đó hay hoặc chưa hay thế nào, bản thân học được gì từ quyển sách đó… Đây là cách để phụ huynh cùng đọc sách với trẻ, khắc phục được tình trạng cha mẹ cứ đòi hỏi con đọc sách mà bản thân người lớn không chịu đọc. Định kỳ tổ chức các ngày hội đọc sách trong trường và tổ chức cho HS tham gia các trò chơi với sách, như vẽ tranh theo sách, thiết kế/vẽ lại bìa sách, diễn kịch theo sách…; trong mấy tháng hè tùy điều kiện có thể 2 tuần/lần hoặc hàng tháng tổ chức các hoạt động này để HS có sự chuẩn bị tốt. Hội sách không thể thiếu các cuộc thi kể chuyện sách, có thể mở rộng việc kể chuyện không chỉ dành riêng cho HS mà còn với phụ huynh, như “Mẹ con cùng kể chuyện” hoặc “Quyển sách của cha”, “Quyển sách dành cho con”… Các cuộc thi này sẽ tạo sự gắn kết về nhiều mặt, trong đó có việc đọc sách, giữa cha mẹ và con cái, tránh tình trạng cha mẹ quá mải mê lo làm ăn mà bỏ bê con cái.
Trong các hoạt động của ngày hội đọc sách, nhà trường cố gắng liên kết với các cơ quan, đoàn thể, nhà sách, thư viện… trên địa bàn để tất cả cùng vào cuộc. Chẳng hạn, phối hợp với Quận đoàn, Đoàn phường ở công tác tổ chức, phối hợp với các nhà sách, hiệu sách để làm công tác giới thiệu sách và bán sách giảm giá, phối hợp thư viện quận huyện, kể cả các thư viện gia đình, để nói về sách… Số sách quyên góp được có thể lập thành tủ sách của khu phố, bổ sung thư viện của trường, tặng các mái ấm, nhà mở… Như vậy, nếu tổ chức tốt, ngày hội đọc sách không chỉ là hoạt động của nhà trường mà còn là hoạt động thiết yếu của nhiều cơ quan, đơn vị khác, góp phần lan tỏa tình yêu với sách. Dĩ nhiên, kinh phí để tổ chức là một vấn đề không nhỏ nhưng nếu khéo thực hiện có thể vận động được tài trợ và sự đóng góp của chính phụ huynh.
Để hoạt động này trở thành một sinh hoạt thường xuyên hàng năm, cần có sự tổ chức chu đáo và quảng bá rộng rãi. Chẳng hạn, ngay trong kỳ họp phụ huynh cuối năm, nhà trường nên phổ biến kế hoạch này và động viên phụ huynh đưa con em tham gia. Với một trường học có khoảng 1.000 HS, mỗi kỳ tổ chức có chừng 10% HS tham dự, cộng với phụ huynh nữa thì đã là thành công rồi.
Dĩ nhiên, trong hoạt động này, đòi hỏi hiệu trưởng phải có trách nhiệm và tâm huyết với việc đọc sách của trẻ. Người đứng đầu nhà trường phải nhận thức được rằng giáo dục tình yêu với sách, xây dựng văn hóa đọc là một đòi hỏi quan trọng để góp phần xây dựng nhân cách của trẻ, là hoạt động tạo sự hứng khởi, say mê tìm tòi, sáng tạo của trẻ, chứ không phải là một hoạt động cho có phong trào. Từ nhận thức đó, người hiệu trưởng sẽ cùng tập thể nhà trường tổ chức được những ngày hội đọc sách thực sự sôi động và có ý nghĩa.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)