Trước tình hình khan hiếm trường mầm non công lập của Hà Nội, việc các trường, nhóm lớp tư thục ra đời là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên thực trạng cho thấy, công tác kiểm tra, xử lý những sai phạm còn rất ít và chật vật.
20% cơ sở chưa được cấp phép
Sở GDĐT Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 361.000 trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, trong số đó có khoảng 15% số trẻ học ở các cơ sở ngoài công lập. Thống kê sơ bộ của Sở GDĐT cho thấy, thành phố hiện có khoảng 11.000 nhóm, lớp tư thục đang hoạt động, tập trung nhiều ở khu đông dân cư, khu công nghiệp như tại các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm, Long Biên… trong số đó, có đến 20% cơ sở, nhóm lớp chưa được cấp phép.
Trẻ đang sinh hoạt tại một trường mầm non tư thục. Ảnh minh họa
|
Mặc dù thành phố đã có chủ trương hạn chế tổ chức các nhóm, lớp nhỏ lẻ (quy mô dưới 60 trẻ), ưu tiên khuyến khích phát triển các mô hình trường tư thục nhưng thực tế, các nhóm trẻ gia đình, lớp nhỏ lẻ vẫn tồn tại rất nhiều.
Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các nhóm, lớp trẻ tư thục với đặc điểm như nhận trông trẻ từ 6 tháng tuổi, phụ huynh có thể gửi con sớm, đón muộn và những dịch vụ như ăn tối, tắm rửa cho trẻ…, đặc biệt tại những khu vực đông người lao động hoặc công nhân phải làm ca kíp. Chị Nguyễn Thị Thu (Hà Đông) phân trần: “Vợ chồng tôi đều là công nhân, phải làm việc theo ca, con nhỏ mới 7 tháng tuổi, xin vào trường nào họ cũng không nhận, chúng tôi buộc phải gửi con tại nhà bà hàng xóm. Vẫn biết là nhà bà chật chội, trẻ con phải nằm trên chiếu dưới sàn nhà nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận”.
Với những nhóm, lớp trẻ “tại gia” như thế này, việc kiểm tra, kiểm soát là rất khó. Hầu như các cơ sở này chỉ bị các đoàn kiểm tra “sờ” đến nếu như để xảy ra vụ việc gì nghiêm trọng. Một cán bộ thanh tra của Sở GDĐT cho biết, khi phát hiện cơ sở hoạt động trái phép sẽ tiến hành xử phạt, cao nhất là buộc đóng cửa. Tuy nhiên, cán bộ này cũng thừa nhận việc kiểm tra này chỉ xử lý được phần ngọn, vì có rất nhiều cơ sở, sau khi bị đóng cửa đã chuyển sang địa điểm khác và tiếp tục… nhận trông trẻ.
Không thể xóa dứt điểm các nhóm, lớp nhỏ lẻ
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ trường mầm non của Bộ GDĐT đã phân cấp quản lý rất rõ ràng, sau khi được chính quyền sở tại cấp phép, Phòng GDĐT các quận, huyện phải có trách nhiệm thẩm định xong, cơ sở đó mới được hoạt động.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại nhiều nơi, việc cấp phép, thẩm định chỉ được thực hiện trên giấy tờ, phòng học, nhà vệ sinh của các cơ sở hoặc không được quan tâm, hoặc không được kiểm tra thường xuyên đến những rủi ro tiềm ẩn. Không hiếm tình trạng nhóm trẻ đã hoạt động khá lâu mà chính quyền địa phương không hề hay biết.
Chính sự buông lỏng quản lý của địa phương nên đã xảy ra khá nhiều sự cố tại các điểm trông giữ trẻ ngoài công lập như vụ cháu Việt Dũng tại nhóm trẻ tư thục Sơn Ca do không chịu ăn đã bị cô giáo tát vào mặt; hay như nhóm trẻ Tóc Tiên chỉ có 10m2 nhận trông 20 cháu, không cẩn thận đã để cháu bé chạy chơi ngoài đường và bị lạc. Mới đây nhất là vụ bé Nguyễn Tiến Dũng (20 tháng tuổi) phải đi cấp cứu vì uống 2 viên thuốc ngủ trong giờ học tại cơ sở mầm non BabyHome…
Rõ ràng, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp xã, phường, thị trấn phải có vai trò quan trọng nhất trong việc quản lý sự ra đời, tồn tại của các nhóm, lớp trẻ tư thục này. Nếu chỉ trông chờ vào các đoàn kiểm tra cấp trên thì chắc chắn Hà Nội sẽ không thể khắc phục được tận gốc việc các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân ngang nhiên hoạt động không phép.
Nguyên Minh / Lao Động
Bình luận (0)