Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”: Phương pháp dạy học “đóng giày theo chân”

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn dạy học cá thể hóa, giáo viên phải nắm chắc yêu cầu trọng tâm bài giảng kết hợp với việc hệ thống toàn bộ chương trình (thường xuyên học tập, nghiên cứu, củng cố…). Anh: P.N.Q
Từ bao năm nay, nhà trường vẫn bắt học sinh (HS) cùng một lớp học theo cùng một thời khóa biểu và một bản phân phối chương trình, dù khả năng tiếp thu của từng em là khác nhau.
Từ đó mà diễn ra bi hài kịch là tất cả HS trong một lớp, dù trình độ cao – thấp khác nhau, dù nhận thức nhanh – chậm khác nhau, nhất nhất đều phải đi đều bước, cùng tốc độ! Năng lực tiếp thu của mỗi HS về một môn học nào đó trong chương trình một lớp là “bàn chân”, còn thời gian học, cách dạy học ở lớp đó là “chiếc giày”. Chúng ta giả định rằng mọi trẻ em cùng tuổi thì “bàn chân” phải cùng cỡ nên chúng ta quy định các em phải mang “giày” đúng số đo đó vào tuổi đó. Không vừa thì cũng cứ phải mang, gọt chân cho vừa mà mang. Nhưng trong đời, khi đi mua giày cho con, cha mẹ không gọt chân con mình để lựa đôi giày ưng ý mà căn cứ vào kích cỡ thật của bàn chân con mình để mua.
Phương pháp Kumon
Hiện nay có một phương pháp dạy học khác có thể bổ khuyết cho kiểu dạy học “gọt chân theo giày” trên. Đó là phương pháp dạy học mang tên Kumon mà triết lý là “đóng giày theo chân”. Kumon là một giáo viên dạy toán bậc trung học nhưng con trai ông lúc vào tiểu học thì kém môn toán. Bị vợ trách là chỉ lo dạy con người khác mà quên con mình, ông bỏ thời gian ra nghiên cứu trường hợp của con và đặt ra hệ thống bài tập riêng cho đứa bé. Mỗi ngày em học toán 30 phút theo phiếu bài tập do cha soạn. Điều kỳ diệu là sau bốn năm học theo kiểu của cha bày, trình độ đứa bé đã tiến bộ hẳn lên, em đủ sức làm các bài toán vi tích phân của lớp 11 dù mới học lớp 6 ở trường. Bí quyết của phương pháp Kumon là xác định được đúng xuất phát điểm của mỗi HS về môn học (chân), từ đó thiết kế một hệ thống bài tập tuần tự, vừa sức (giày) để HS làm mỗi ngày 30 phút bằng giấy bút và cục gôm thông thường mà không cần thiết bị gì hiện đại, làm cho đến khi nào thành thạo.
Giáo trình Kumon được thiết kế thông qua những bước nhỏ liên quan chặt với nhau. Thành thạo bước trước mới chuyển qua bước sau. Mỗi phần bài tập được hoàn tất là một bước kết nối với phần tiếp theo. Nếu luyện tập với các bài tập theo đúng phương pháp, trẻ sẽ phát triển được khả năng tự giải quyết vấn đề. Điều này nhằm tạo điều kiện để trẻ có thể tự học. Việc tự học sẽ mang lại cách hiểu thấu đáo hơn đối với mỗi vấn đề. Kumon quan niệm là thực hành khiến cho thành thạo, thành thạo khiến cho tự tin. HS mà tự tin thì hứng thú, hứng thú khi học thì đạt kết quả tốt.
Giáo dục nên nhìn thấy mặt hạn chế không nhỏ của luận điểm “trẻ em cùng lứa tuổi thì cùng trình độ nhận thức” để nghiên cứu và sớm áp dụng phương pháp dạy của Kumon. Áp dụng được phương pháp này sẽ đem lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài. Lợi ích trước mắt là giải quyết kịp thời các trường hợp HS theo không kịp trình độ chung ở một vài môn học công cụ (toán, tiếng Việt, tiếng Anh…) trước khi các em này phải ở lại lớp. Lợi ích lâu dài là HS biết cách học, hứng thú học tập và trở nên tự tin.
Phương pháp trên thực chất là phương pháp dạy học cá thể mà chúng ta đề cập trong những thời gian gần đây.
Điều kiện dạy học cá thể
Để giáo viên có thể thực hiện tốt “dạy học cá thể”, nhà trường cần có những điều kiện cơ bản như sau: Thứ nhất là đổi mới đào tạo sư phạm, từ “dạy số đông”, áp đặt, nặng lý thuyết sang “dạy cá thể” gợi mở, hợp tác trong dạy và học, giảm lý thuyết, tăng thực hành. Thứ hai, đổi mới nội dung chương trình, đến cơ chế làm SGK. SGK phải thực hiện theo hướng tích hợp, ít môn học nhưng phong phú, lý giải được những vấn đề sinh động của cuộc sống. Thứ ba là đổi mới cơ sở vật chất và thiết bị dạy học: Giảm sĩ số trong lớp, thiết bị học tập được trang bị đủ cho từng HS. Thứ tư, đổi mới thi cử và công tác quản lý nhà trường: Nâng cao vai trò của giáo viên trong đánh giá HS và giảm thiểu những kỳ thi chung nặng nề, định chuẩn cụ thể, tập huấn giáo viên đánh giá HS, có biện pháp giám sát khoa học. Thứ năm, đổi mới hoạt động của người giáo viên: Giáo viên phải đổi mới quan điểm sư phạm, quan niệm về quan hệ thầy trò, về trách nhiệm của giáo viên trong quá trình giáo dục. Quan điểm sư phạm là dân chủ, hướng về cá thể thay cho sự áp đặt với số đông. Quan hệ thầy trò là quan hệ hợp tác trao đổi lắng nghe, thay cho sự truyền thụ một chiều. Trách nhiệm của giáo viên là quyết định cho kết quả quá trình dạy học, giáo viên phải đánh giá được từng học sinh về sở trường, sở đoản để có biện pháp giáo dục phù hợp trong từng giờ dạy.
Trong năm điều kiện trên, đổi mới hoạt động giáo viên là quan trọng nhất vì đó là hoạt động trực tiếp quyết định kết quả của quá trình dạy học, đồng thời giáo viên có khả năng góp phần cải thiện các khiếm khuyết của các điều kiện khác.
Yêu cầu hoạt động của giáo viên khi dạy cá thể
Yêu cầu dạy học cá thể của người giáo viên trong nhà trường được xác định như sau: Am hiểu nội dung chương trình giáo dục kết hợp với mục tiêu đào tạo, nắm chắc yêu cầu trọng tâm bài giảng kết hợp với việc hệ thống toàn bộ chương trình (thường xuyên học tập, nghiên cứu, củng cố, không ngừng nâng cao kiến thức). Nắm chắc tình hình HS về tâm lý, hoàn cảnh và khả năng tiếp thu, thực hành bài học của từng HS (thường xuyên gần gũi, quan sát tìm hiểu và lắng nghe HS). Biên soạn, thiết kế giờ dạy, tổ chức HS học tập, rèn luyện và thực hành hiệu quả trong điều kiện của lớp học và thiết bị dạy học có được (thường xuyên thực hành, tích lũy kinh nghiệm và tư duy về đặc điểm của cá nhân HS). Ngoài ra, giáo viên phải hết sức tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao và thương yêu HS, quan tâm đổi mới phương pháp, sâu sát và am hiểu đặc điểm hoàn cảnh và sức học từng em trong lớp…
Tập thể giáo viên Trường THCS Bình Lợi Trung (Q. Bình Thạnh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)