Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Phải tạo điều kiện cho HS làm việc

Tạp Chí Giáo Dục

 

Cách dạy mới yêu cầu một câu hỏi, một vấn đề đưa ra phải tác động tới nhiều đối tượng HS để các em được nói lên suy nghĩ của bản thân (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
Hiện nay, vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để tiết dạy ở bộ môn văn thật sự sinh động, đảm bảo được phương pháp đổi mới. Có như vậy mới khắc phục được những hạn chế vốn có của cách dạy chung chung sa vào độc thoại, giảng giải mà không quan tâm đến từng cá thể.
Dạy theo hướng đổi mới
Dạy môn văn cũng như dạy các bộ môn khác là làm sao cho HS thật sự cuốn hút vào các hoạt động học tập mà thầy cô tổ chức và chỉ đạo. Thông qua đó các em tự lực khám phá những điều bí ẩn mà mình chưa biết chứ không phải ngồi ỳ một chỗ “dung nạp” những tri thức đã được “bày biện sẵn” một cách thụ động. Ví dụ: Khi dạy bài Nói quá, ngoài khái niệm cần nắm, GV phải làm nổi bật giá trị biểu cảm cách nói cường điệu, khoa trương trong văn bản nghệ thuật như tục ngữ, ca dao, đồng dao (ruột để ngoài da, bầm gan tím ruột…) cũng như trong lời nói giao tiếp hàng ngày (hét ra lửa, một tấc đến trời). Với phương pháp dạy học cũ theo kiểu thầy đọc – trò ghi một cách đại trà thì dẫn đến HS lười suy nghĩ và bỏ quên vai trò chủ động của mình. Kiến thức luôn được áp đặt sẵn chứ không hề được gợi mở, khơi gợi sự tìm tòi. Trong phương pháp dạy học mới, cán cân hoạt động phải nghiêng hẳn về phía HS chứ không phải để GV làm chủ mọi hoạt động như trước đây. Nói cách khác là phải tạo điều kiện cho các em HS biết làm việc, biết hoạt động. Có thể mỗi em có một hoạt động riêng chứ không hoàn toàn rập khuôn và giống nhau. Vì thế, có một điều mà GV hay quên là khi soạn bài không để ý đến các hoạt động của HS, chỉ quan tâm tới công việc của thầy cô. Nếu như vậy thì GV không thể nào hình dung được các hoạt động của HS sau đó diễn ra như thế nào và những khả năng của các hoạt động có thể xảy ra. Điều này cũng giúp GV tiên liệu được những khó khăn mà HS sẽ gặp phải và dự kiến thời gian, giải pháp điều chỉnh. Điều lý thú hơn, mỗi hoạt động học tập là một tình huống, một cánh cửa gợi thêm động cơ học tập. Nhưng điều quan trọng hơn trong tổ chức các hoạt động học tập là việc xây dựng hệ thống câu hỏi bài tập, lựa chọn hình thức học tập và cách kiểm tra đánh giá kết quả học tập cho phù hợp. Thử thách từ phía GV là có được hệ thống câu hỏi bài tập giúp được mọi đối tượng HS chủ động, tích cực học tập. Vậy khi GV xây dựng hệ thống câu hỏi bài tập thì dựa vào đâu? Kinh nghiệm cho thấy kỹ thuật xây dựng câu hỏi bài tập thông thường dựa trên những gợi ý từ SGK, sách giáo viên và sách bài tập. Nhưng không được bỏ qua việc xem xét năng lực thực của HS, vì cách dạy mới yêu cầu một câu hỏi, một vấn đề đưa ra phải tác động tới nhiều đối tượng HS để các em được suy nghĩ và được nói lên tiếng nói của chính bản thân mình.
Ở trường phổ thông, mỗi giờ học chỉ được thực hiện trong 45 phút, do vậy việc dự kiến thời gian cho mỗi hoạt động học tập trong bài soạn rất quan trọng. Chẳng hạn những giờ học tiếng Việt, GV thường bố trí thời lượng cho phần tìm hiểu bài và rút ra bài học từ 15-20 phút, còn 25-30 phút còn lại là để thực hành, luyện tập. Sự phân bố như vậy là khả thi, cân đối được mối quan hệ giữa các yêu cầu của bài học đối với thời lượng cho phép đảm bảo được tính yêu cầu thực hành ứng dụng trong dạy và học tiếng Việt.
Một số phương pháp đặc thù
Chương trình ngữ văn THCS vừa đảm bảo tính hệ thống ở trục ngang vừa đảm bảo tính hệ thống ở trục dọc. Với phân môn tiếng Việt, kết quả cần đạt là giúp HS nắm được các đơn vị ngôn ngữ tiếng Việt (từ, câu, các biện pháp tu từ, từ vựng cú pháp…) nắm được khái niệm cơ bản về giao tiếp… Thực hành đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trên cơ sở vận dụng các tri thức lý thuyết một cách chủ động vào các lĩnh vực giao tiếp khác nhau. Từ đó giúp các em có thêm cánh cửa rộng mở hơn về khả năng nhận thức và rèn luyện kỹ năng thực hành giao tiếp. Muốn đạt được mục đích đó, GV phải sử dụng phương pháp dạy học theo định hướng giao tiếp và phương pháp rèn luyện theo mẫu: Phương pháp dạy học theo định hướng giao tiếp (còn gọi tắt là phương pháp giao tiếp). Trong dạy học tiếng Việt, giao tiếp là mục đích của việc dạy học, là nguyên tắc chỉ đạo việc dạy học đồng thời là phương tiện tổ chức các hoạt động học tập của HS. Thông qua đó, các em không chỉ giàu hơn về kiến thức ngôn ngữ mà còn được “cọ xát” thêm trong việc rèn luyện bốn kỹ năng nhằm khuyến khích động cơ và nhu cầu giao tiếp. Phương pháp rèn luyện theo mẫu (là phương pháp thông qua những mẫu cụ thể về lời nói hoặc mô hình lời nói). Cơ sở của phương pháp này là dựa trên sự quan sát, tri thức và bắt chước có ý thức, xuất phát từ vấn đề nhận thức luận trong triết học: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan”.
Nhóm GV văn
(Trường THCS Độc Lập, Q. Phú Nhuận)
Điều quan trọng trong tổ chức các hoạt động học tập là xây dựng hệ thống câu hỏi bài tập, lựa chọn hình thức học tập và cách kiểm tra đánh giá kết quả học tập thế nào cho phù hợp.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)