Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Chín kỹ thuật hoạt động nhóm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong phương pháp hoạt động nhóm, có rất nhiều kỹ thuật để GV tổ chức tiết học theo nhóm. Ảnh: T.L
Ít người biết rằng trong phương pháp hoạt động nhóm, có rất nhiều kỹ thuật để giáo viên (GV) tổ chức hoạt động theo nhóm. Chính các kỹ thuật tổ chức hoạt động nhóm này là những thao tác “bí mật nhà nghề” giúp người dạy và cả người học hướng tới mục tiêu cá thể hóa.
Đầu tiên là kỹ thuật động não (còn gọi là công não). Đây là một kỹ thuật nhằm huy động những tư tưởng mới mẻ, độc đáo chưa từng gặp về một chủ đề nào đó của các thành viên trong quá trình thảo luận. Các thành viên này được cổ vũ tham gia một cách tích cực, không hề hạn chế bó hẹp ý kiến nhằm tạo ra “cơn lốc” các ý tưởng.
Thứ hai là kỹ thuật động não viết. Đây là một hình thức thảo luận được biến đổi từ động não. Trong động não viết, các ý tưởng không được trình bày miệng mà được từng cá nhân tham gia trình bày ý kiến bằng chữ, tức là viết trên giấy về một chủ đề cụ thể (có nghĩa là cách trao đổi bằng ký tự chứ không phải bằng lời nói). Học sinh đặt trước mặt một vài tờ giấy chung, trên đó ghi lại chủ đề ở dạng tiêu đề ở giữa tờ giấy. Cứ thế các em thi nhau ghi ra giấy những gì mình nghĩ về chủ đề đó trong không gian im lặng tuyệt đối. Sau đó các em tham khảo ý kiến của các bạn khác và cùng lập ra một bài viết chung với trí tuệ tập thể. Từ đây sẽ hình thành những câu chuyện trọn vẹn hoặc đơn giản hơn là chỉ mới ở dạng bản thu thập các từ khóa. Cuộc nói chuyện bằng giấy bút này có thể diễn ra trong khi các học sinh đang làm bài theo nhóm. Sản phẩm động não viết thường nằm ở dạng bản đồ trí tuệ.
Thứ ba là kỹ thuật nhóm rì rầm: Học sinh chỉ trao đổi nhỏ với nhau một cách thầm thì về một vấn đề. Có thể chỉ là hai hoặc nhiều học sinh ngồi gần nhau, sau đó GV yêu cầu các em mở rộng trao đổi để chia sẻ cùng các bạn. Kim tự tháp: chia ra các nhóm thảo luận nhỏ sau đó lại thảo luận sâu hơn bằng cách gộp hai nhóm nhỏ trước đó lại thành một nhóm nhỏ hơn. Rồi tiếp tục gom hai nhóm thành một nhóm lớn hơn nữa cho đến khi cả lớp chỉ còn lại một lớp theo hình Kim tự tháp đế lớn càng lên đỉnh càng nhỏ dần. Cách làm này làm cho càng về sau ý kiến càng chắt lọc, sâu sắc hơn và tất nhiên cũng chính xác hơn.
Thứ tư là kỹ thuật XYZ: Đây là một kỹ thuật nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong thảo luận nhóm. Hiểu một cách nôm na X là số người trong nhóm, Y là số ý kiến mỗi người, Z là phút dành cho mỗi người đứng lên phát biểu. Nếu mỗi nhóm có sáu người viết ra 5 ý kiến trên giấy trong vòng năm phút về cách giải quyết một vấn đề thì gọi là kỹ thuật 635.
Thứ năm là kỹ thuật bể cá: Đây cũng là một hình thức thảo luận nhóm nhưng nhóm thảo luận được ngồi vào chính giữa, còn các nhóm khác ngồi xung quanh ở vòng ngoài (như đang xem con cá trong một cái bể) theo dõi cuộc thảo luận và sau đó đưa ra nhận xét đánh giá cách làm việc và ứng xử của nhóm thảo luận ở giữa.
Thứ sáu là kỹ thuật “ổ bi”: Các nhóm thảo luận ngồi thành nhiều vòng tròn nhưng cùng một tâm và đối diện nhau giống như hai vòng tròn đồng tâm của một ổ bi. Chú ý là các “vòng tròn” này ngồi đối diện quay mặt lại với nhau để dễ dàng cùng lần lượt thay phiên nhau thảo luận.
Thứ bảy là kỹ thuật tranh luận ủng hộ – phản đối (còn gọi là tranh luận chia phe, có nghĩa là chủ đề thảo luận đưa ra phải chứa đựng những xung đột có chút gay cấn hơn). Những ý kiến khác nhau hoặc thậm chí đối lập nhau không ngoài mục đích đánh giá chủ đề từ nhiều góc độ bình diện khác nhau. Mục tiêu cuối cùng của tranh luận không phải là hạ gục và đánh bại ý kiến đối lập mà xem xét chủ đề ở nhiều phương diện khác nhau. Nguyên tắc chia nhóm có thể ngẫu nhiên hay trên tinh thần tự nguyện đều được cả.
Thứ tám là kỹ thuật tia chớp: Kỹ thuật này huy động sự tham gia của các thành viên đối với một câu hỏi nào đó. Nhằm thu thập thông tin phản hồi và cải thiện tình trạng giao tiếp cũng như không khí học tập trong lớp thông qua việc trình bày ý kiến gọn, lẹ (nhanh như tia chớp). Kỹ thuật này có thể thực hiện bất kỳ lúc nào nếu ai đó muốn.
Thứ chín là kỹ thuật 3 lần 3: Lấy thông tin phản hồi nhằm huy động sự tham gia tích cực của HS. Khi nêu phản hồi, HS ghi 3 điều tốt và 3 điều chưa tốt, 3 điều đề nghị cải tiến.
Vũ Quang Thọ
(Tổ trưởng Tổ phổ thông, Phòng GD-ĐT Phú Nhuận)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)