Nước ta có đường bờ biển dài 3.260 km, hàng ngàn đảo và vô số sông hồ, kênh rạch, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người không biết bơi, đặc biệt tỷ lệ trẻ đuối nước ở Việt Nam là cao nhất so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, việc nắm vững kỹ năng bơi không chỉ mang ý nghĩa sinh tồn, nâng cao thể trạng mà còn để góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Trẻ em tắm sông, nguy cơ chết đuối rất cao. Ảnh: Đức Huy. |
Quá nhiều học sinh chết đuối
Trong số tai nạn thương tích gây tử vong ở trẻ, đuối nước luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều đặc biệt là không chỉ ở các thành phố mà ngay cả ở vùng ĐBSCL, hễ gặp nước là đuối.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) VN, cho biết trong số khoảng 7.000 – 7.200 trẻ em chết do tai nạn thương tích/năm thì đuối nước chiếm 50% các trường hợp. Điều đặc biệt, tỷ lệ thanh thiếu niên không biết bơi quá lớn.
Báo động
Do tiếp giáp sông Tiền và sông Hậu nên tỉnh An Giang, Đồng Tháp luôn dẫn đầu về số lượng trẻ em chết đuối trong các mùa lũ so với các tỉnh thành khác.
Theo báo cáo của Ban Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, trận lũ lớn trong năm 2000 đã cướp đi sinh mệnh của 29 trẻ em, tại An Giang có 13 trẻ chết đuối cùng thời điểm này.
Năm 2008, tỉnh Đồng Tháp có 44 trẻ tử vong do chết đuối, năm 2009 là 38 em và năm 2010 là 40 em. Còn tại An Giang năm 2009 là 13 em, năm 2010 có 5 trẻ chết đuối.
|
Sống gần sông nước nhưng khi té sông, trẻ lại không tự cứu được mình. Có gia đình cùng lúc có 2, 3 đứa con chết đuối.
Ở vùng quê thiếu phương tiện vui chơi giải trí và những cái hố, hầm, ao mương… đôi khi trở thành điểm vui chơi của trẻ em.
Ngày 1-1, hai em Hồ Thị Mỹ Trâm (11 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Ngân (12 tuổi, cùng ngụ xã Bình Long, H.Châu Phú, An Giang) đang chơi đùa thì nghe tiếng Ngô La Sil (7 tuổi, ngụ cùng địa phương) kêu khóc bèn tìm kiếm; phát hiện Sil rớt dưới hố nước, cả hai tìm cách kéo Sil lên. Không may, cả hai em Trâm và Ngân đều trượt chân té xuống hố và chết đuối do không biết bơi. Bé Sil được người dân cứu thoát.
Ngày 5-3-2010, hai bé Nguyễn Đức Thắng (6 tuổi) và Nguyễn Thắng Hoài (5 tuổi, cùng ngụ khóm 8, P.Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, An Giang) rủ nhau ra hố nước của một công trình đùa nghịch. Bị sẩy chân té xuống hố, hai bé tử vong. Ngày 16-2-2010, em Nguyễn Văn Điều (9 tuổi) và em ruột là Nguyễn Văn Hòa (6 tuổi, ngụ P.An Lạc, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) ra bờ sông Tiền chơi.
Tới chiều người thân phát hoảng đi tìm thì phát hiện bên bờ sông còn đôi dép, bộ quần áo của hai em; mọi người lặn tìm nhưng vô vọng. Hôm sau, xác hai trẻ mới nổi lên cách đó chừng 500m.
Đáng thương hơn là những trẻ em nghèo khó, sống bằng nghề mò cua, bắt cá ven sông đôi khi cũng gặp chuyện không may.
Ngày 25-6-2008, dân địa phương xã Hòa Lạc, H.Phú Tân (An Giang) phát hiện trên bờ đất một cái thau nhỏ đựng vài con cua, ốc. Sinh nghi, nhiều người đi tìm thì phát hiện thi thể của em Trần Bình Vi (11 tuổi) và Đỗ Kim Nguyên (14 tuổi) nổi trên mương.
Hôm đó được nghỉ học, hai em tranh thủ đi ra mương mò cua, bắt ốc nhưng đã bị hụt chân chết đuối. Ngày 23-2-2008, em Lưu Gia Huy (học sinh lớp 3, trường Tiểu học Trần Quốc Toản) và em Bùi Quang Phúc (học sinh trường Tương Lai, TP Cần Thơ) rủ nhau ra sông Hậu mò cua bắt hến, đã bị nước cuốn chết.
Có 1.001 nguyên nhân khiến trẻ chết đuối, trong đó có sự vô ý, thiếu cẩn trọng của người lớn. Ngày 9-1-2011, vợ chồng anh H.A đưa con gái 13 tháng tuổi về quê chơi. Qua bến phà sông Tiền, do trông giữ bất cẩn khiến bé rớt xuống sông.
Tới trưa ngày 11-1, xác cháu bé xấu số mới tìm được cách nơi té sông gần 500m. Ngày 12-9-2010, cha mẹ bé Bạch Thanh Bạch (2 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng, Phong Hòa, H.Lai Vung, Đồng Tháp) có chuyện đi xa nhờ người thân giữ con giúp. Người này nhận giữ nhưng uống rượu xỉn, tới khi tỉnh dậy không thấy cháu đâu nên đi tìm thì đã muộn. Tối hôm đó, có người tới kêu ra sông vớt xác cháu Bạch.
Trong những trẻ không may té sông, đến nay chỉ trường hợp bé Nguyễn Thị Như (3 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) bị té sông nhưng thoát chết một cách thần kỳ.
Ngày 19-2-2011, bé Như theo chân cha mẹ xuống tàu chơi, sau đó té sông mà người lớn vẫn chưa hay. Bị nước cuốn trôi hơn 200m, bé Như may mắn chụp được sợi dây tàu đang neo gần đó và bám riết sợi dây. Một ngư dân đi câu đã phát hiện và vớt cháu lên.
Nguy cơ cao trong mùa hè
Sáng 16-5, tiếng trống tang đã xé nát lòng người dân ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa (Phú Yên) – nơi có đến 4 em học sinh cùng chết đuối. Theo ông Nguyễn Tân – Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú, trưa 15 – 5, một nhóm học sinh gồm: Trần Biện Pháp, Phạm Minh Hiếu, Võ Thị Mỹ Hạnh, Lê Thị Kiều Trinh, Phan Văn Tín và Nguyễn Thị Huệ (cùng 18 tuổi và đều trú tại xã Hòa Phú) rủ nhau đi chơi trên sông Ba.
Em Pháp lấy xuồng máy của gia đình đưa các bạn đi chơi. Sau khi chơi xong, hai em Hạnh và Huệ nhảy xuống sông Ba tắm nhưng bị đuối nước. Thấy vậy, Tín, Hiếu, Pháp nhảy xuống cứu, nhưng chỉ có Tín bơi được vào bờ, còn 4 em Hiếu, Hạnh, Huệ, Pháp thì chết đuối.
Ông Tân cho biết thêm: “Qua tìm hiểu, tôi được biết các em chuẩn bị nghỉ hè nên đã tổ chức liên hoan. Vì trời nắng nóng nên các em rủ nhau ra bến sông chơi. Khi nghe hung tin, chúng tôi rất đau lòng”.
Trước đó, ở Phú Yên từng xảy ra nhiều vụ học sinh chết đuối do tắm sông, tắm biển. Gần đây nhất là trường hợp chết đuối của 3 học sinh: Lê Thị Cẩm Hân, Bùi Thị Tâm Hảo và Nguyễn Thị Thanh Tuyền (cùng 10 tuổi, học sinh trường Tiểu học Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân).
Ba em này cùng với hai học sinh cùng trường rủ nhau đi thăm bạn, rồi cùng nhau xuống sông Kỳ Lộ tắm, nhưng chỉ có hai em bơi được vào bờ, ba em thì đuối sức giữa dòng nước xoáy.
Theo bà Phạm Thị Tương Lai – Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, phụ trách công tác trẻ em, phần lớn học sinh chết đuối rơi vào mùa hè – thời điểm mà các em nghỉ học, sinh hoạt tại gia đình. Hầu hết học sinh bị nạn đều chưa được dạy bơi.
“Những năm trước bình quân mỗi năm có khoảng 30 học sinh chết đuối. Năm 2010, tình trạng trẻ em chết đuối có giảm, nhưng cũng ở mức đáng báo động”.
Cao nhất khu vực
Thống kê năm 2010 của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cho biết tỷ lệ trẻ đuối nước tại VN cao nhất so với các nước trong khu vực. Trung bình mỗi ngày có 10 trẻ tử vong vì lý do này, chủ yếu độ tuổi từ 7-15. Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ suất đuối nước ở trẻ em VN cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Trong đó, hơn 53% các trường hợp bị đuối nước xảy ra trong các hoạt động ngoài trời khi trẻ chơi gần nhà và khoảng 17% được trẻ khác trông nom. Trẻ em ở nông thôn chết đuối nhiều hơn thành thị.
|
Theo Thanh Dũng – Đức Huy
Thanh Niên
Bình luận (0)