Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phát hoảng với chuẩn sân chơi

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ có hiệu lực vào ngày 12-6 tới quy định các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường phổ thông, trong đó có quy định “trường học phải dành 40-50% diện tích làm sân chơi, sân tập cho học sinh”.

Điều này khiến nhiều hiệu trưởng phát hoảng vì còn xa mới chạy theo được “chuẩn”. Hầu hết hiệu trưởng khẳng định có chăng chỉ các trường ngoại thành mới đáp ứng được, hoặc cố gắng để đáp ứng các tiêu chí.
Tại các thành phố lớn, các tiêu chí trong thông tư đang ngày càng xa vời. Điển hình như trong nội thành Hà Nội, số trường có diện tích sân chơi, bãi tập bằng 40% tổng diện tích trường học trở lên có thể đếm trên đầu ngón tay. Không ít trường đang đi thuê mướn địa điểm nơi khác hoặc tận dụng hè đường, khoảng trống trong khu tập thể hoặc sân thượng các nhà cao tầng để làm sân chơi.
Không có sân chơi, học sinh Trường tiểu học Bà Triệu, Hà Nội phải chơi và tập thể dục ngoài vỉa hè – Ảnh: Vĩnh Hà
Sân chơi “co” dần
Trường tiểu học Bà Triệu là ngôi trường điển hình của loại “trường chật” ở Hà Nội. Địa điểm chính của trường là ngôi biệt thự cổ ba tầng, khá chật chội, khoảng sân duy nhất phía trước chỉ rộng khoảng 10m2. Nhiều năm nay, người dân Hà Nội khu vực này quá quen với cảnh học sinh trường này tập thể dục, chơi đùa, chào cờ, diễn văn nghệ trên vỉa hè. Ban giám hiệu nhà trường cho biết nhiều lần mừng vì thành phố thông báo đã có quỹ đất, có dự án xây trường, nhưng đến nay học sinh vẫn chịu cảnh “không sân chơi, bãi tập”.
Trường học phải đặt xa bến xe
Liên bộ GD-ĐT và Y tế quy định: nhà trường không được đặt ở những nơi phát sinh khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn, xa các bến xe, bến tàu, kho xăng dầu, bãi rác, chợ, các trục đường giao thông lớn, chân đồi núi, ven sông, suối, ghềnh hiểm trở có nguy cơ sụt, lở. Đặc biệt nhà trường cần có sân chơi, sân tập và cây xanh. Diện tích trồng cây xanh đảm bảo 20-40%, diện tích làm sân chơi, sân tập 40-50% so với tổng diện tích của nhà trường.
(H.N.)

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Q.Ba Đình, Hà Nội cũng nhiều năm trong cảnh thiếu sân chơi, sân tập khi phải học nhờ đình làng Kim Mã Thượng. Trong diện tích 1.000m2, trường phải tận dụng để làm 10 phòng học. Học sinh bước ra sân là tới nơi thờ cúng với những nội quy nghiêm ngặt, khiến trẻ không thể tự do chơi đùa, tập thể dục.

Nằm trong số các trường bị xem xét lại điều kiện tuyển sinh năm học 2011-2012 do thiếu cơ sở vật chất tại Hà Nội, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ có sân chơi, sân tập nằm trên tầng 8 mà theo Sở GD-ĐT Hà Nội nhận xét là “không an toàn cho học sinh”. Ông Nguyễn Văn Thùy, hiệu trưởng nhà trường, phân trần: “Chúng tôi phải ưu tiên cho phòng học, phòng chức năng”.
Theo hiệu trưởng một số trường phổ thông, thực tế nhiều ngôi trường khi thiết kế có dành sân chơi, sân tập theo chuẩn nhưng do quy mô học sinh tăng theo từng năm nên diện tích sân chơi, sân tập bị co lại. Rất nhiều trường công lập tại Hà Nội có bề dày về chất lượng nhưng diện tích trường học/học sinh quá thấp, sân chơi, sân tập chật chội như trường tiểu học Trưng Vương, Nguyễn Du, Quang Trung, Trần Quốc Toản, THCS Ngô Sĩ Liên, THPT Kim Liên, Thăng Long…
Còn xa mới tới “chuẩn”
Ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nói: “Đề ra các tiêu chí đảm bảo chất lượng trường học chủ yếu phải nhằm hai mục đích: để các trường nhìn vào đó phấn đấu cho những năm tiếp theo và có cơ sở khi thiết kế, xây mới một trường học. Còn nếu áp “chuẩn” để đánh giá các trường trên cơ sở thực trạng hiện nay thì chỉ tính một tiêu chí là sân chơi, bãi tập, đa số trường sẽ bị xếp dưới chuẩn”.
Ông Nguyễn Văn Thùy cũng cho rằng 40-50% diện tích sân chơi, sân tập là cái đích quá xa đối với các trường nói chung, nhất là những trường thuộc khối ngoài công lập. Trong hoàn cảnh hiện nay, có một khoảng sân cho học sinh hít thở khí trời đã là nỗ lực rất lớn của các trường trong khu vực nội thành.
Nhiều hiệu trưởng cho rằng nếu còn có thể nới diện tích, các trường đều phải ưu tiên tăng số phòng học (để học hai buổi/ngày và giãn sĩ số học sinh/lớp ở bậc tiểu học), đầu tư bổ sung phòng thí nghiệm, phòng máy tính, phòng học chức năng (ở bậc THCS và THPT), sân chơi, sân tập phải xếp sau các yêu cầu trên. Còn lãnh đạo một số phòng GD-ĐT tại Hà Nội thì cho rằng việc tăng quỹ đất cho sân chơi, bãi tập chỉ thực hiện được nếu triển khai việc xây dựng trường ở địa điểm khác.
VĨNH HÀ / Tuoi Tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)