Phương pháp hữu hiệu nhất để đổi mới tiết dạy học là tăng cường đưa HS đến với thiên nhiên, nhằm phát huy tối đa óc nhận xét và năng lực sáng tạo của các em. Ảnh: T.L
|
Ngoài việc cung cấp kiến thức cho người học, dạy học theo định hướng cá thể hóa đòi hỏi phải chú ý đến sự phát triển “cái riêng” của từng học sinh (HS). Đó là mục đích mà người thầy đang cần hướng tới.
Dạy học trong không gian mới
Có thể nói cách học trong không gian bó hẹp trong bốn bức tường lớp học không thật sự phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là đối với HS nhỏ tuổi. Cách học đó không chỉ làm cho HS thụ động trong việc tiếp thu kiến thức mà còn không tạo được một không gian mới mẻ cho các em hoạt động, đặc biệt là đối với các HS ưa tìm hiểu, khám phá. Vì thế, khi đề cập đến vấn đề dạy học theo hướng cá thể cho trẻ mầm non, bà Trương Thị Mỹ Liên, Tổ trưởng Tổ Mầm non (Phòng GD-ĐT Phú Nhuận) đã chia sẻ: “Có nhiều phương pháp đổi mới hình thức tổ chức giờ học, một trong những phương pháp hữu hiệu nhất mà các trường nên thực hiện là tăng cường đưa trẻ đến với thiên nhiên và tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường như tham gia lao động tại vườn cây, tham quan nhà sách, siêu thị; tổ chức các hoạt động vui học tại công viên như tạo hình, vui chơi tập thể”.
Lâu nay giáo viên (GV) thường bỏ quên các đối tượng riêng lẻ trong một lớp học mà chỉ chú ý đến những gì tổng thể, vì thế đã không phát huy được những mặt mạnh, những nét riêng biệt của từng HS. Bà Dương Thị Cần, Hiệu trưởng Trường TH Đông Ba (Phú Nhuận) nhấn mạnh: “Trong một tiết dạy GV phải chú ý đến tất cả HS, nhất là HS yếu phải có việc làm phù hợp với khả năng. GV mạnh dạn thực hiện việc điều chỉnh dạy học đến từng đối tượng và từng bài học cụ thể”. Theo bà Cần, những HS yếu có khả năng tiếp thu hạn hẹp nên khó theo kịp các bạn khác trong lớp. Nếu thầy cô thiếu quan tâm thì các em dễ bị tụt hậu lại phía sau. Sự tụt hậu đó cứ kéo dài thì sẽ khó khắc phục được hậu quả. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT Phú Nhuận, khẳng định: “Phương pháp dạy học cũ có ưu điểm lớn là phát huy trí nhớ, tập cho HS làm theo một khuôn mẫu. Phương pháp mới vẫn cần tiếp tục phát huy những ưu điểm đó. Song, cái khác căn bản ở đây là phương pháp giảng dạy cần quan tâm đến việc phát triển “cái riêng” của từng HS, giúp các em có cơ hội chủ động trong tiếp nhận và phát huy sức sáng tạo của bản thân”. Tuy nhiên, theo bà Kiều Oanh, phương pháp cũ lại không phục vụ được mục đích dạy học theo định hướng cá thể hóa.
Rất cần bản lĩnh người thầy
Khi đề cập đến việc dạy học trong một không gian thiên nhiên thoáng mát, rộng rãi, bà Trương Thị Mỹ Liên đã chỉ ra mục đích của việc tăng cường đưa giờ học ra khỏi không gian bó hẹp của bốn bức tường lớp học là “nhằm tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm, phát huy tối đa óc nhận xét, trí tưởng tượng và năng lực sáng tạo qua việc tham gia lao động và học tập từ thiên nhiên. Qua đó rèn cách ứng xử, rèn cách giải quyết những vấn đề đơn giản phù hợp với lứa tuổi mầm non”. Khi đề cập đến phương pháp dạy học theo hướng cá thể hóa, ông Nguyễn Hữu Nhàn, Phó hiệu trưởng Trường TH Sông Lô (Phú Nhuận), cho rằng phương pháp học tập thụ động thầy giảng – trò ghi không còn phù hợp và thực tế đã cho thấy tác dụng tiêu cực của nó. Một trong những phương pháp áp dụng có hiệu quả là chia HS thành từng nhóm – tổ học tập để HS phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi… Theo ông Nhàn, vấn đề là phải thực hiện như thế nào để đạt được mục đích đó. Tất cả tùy thuộc vào bản lĩnh của người thầy.
“Nhìn chung, đổi mới phương pháp dạy học không có một công thức chung cho các tiết học hay tất cả các môn học; không là sự phủ định toàn bộ các phương pháp dạy học cũ mà là sự phối hợp khéo léo, hợp lý từ hình thức tổ chức các phương tiện hiện đại đến phương pháp truyền đạt để GV vừa là người cung cấp kiến thức vừa là bạn đồng hành giúp HS trở thành một chủ thể tự giác, tích cực chủ động và sáng tạo trên con đường học tập và rèn luyện bản thân” – bà Kiều Oanh đúc kết.
P.N.Q
Bình luận (0)