Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?”: Đặt câu hỏi cho mọi đối tượng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tiết dạy, GV không bỏ sót đối tượng, dù HS đó học khá giỏi hay yếu kém. Ảnh: N.Anh
Biết điều tiết khối lượng bài học, bài làm cho học sinh (HS) sao cho không quá tải, dồn ép gây lo lắng cho HS. Chú trọng câu hỏi cho mọi đối tượng, không bỏ sót đối tượng nào, dù HS khá giỏi hay yếu kém. Đó là một trong những thao tác khi dạy học theo định hướng cá thể hóa.
Theo phương pháp đổi mới trong học tập, HS không còn “ngồi một chỗ” để chờ giáo viên (GV) cung cấp kiến thức mà các em phải tích cực tìm tòi và học hỏi để khám phá và chiếm lĩnh tri thức, từ đó xây dựng cho mình các khái niệm về thế giới quan khoa học duy vật. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khó khăn khi một bộ phận HS chây lười không hứng thú học tập và ỷ lại chờ vào các bạn khác làm việc nên học tập kém hiệu quả. Không thể tồn tại mãi cách dạy thầy đọc – trò chép, dạy học theo số đông thiếu quan tâm đến từng thành viên trong lớp. Cách học mới là người dạy nêu vấn đề để người học suy nghĩ, thảo luận và rút ra bài học cho bản thân.
Hoạt động nhóm là một trong những phương pháp dạy học theo định hướng cá thể hóa. Về nguyên tắc, trong hoạt động nhóm nhất thiết phải có sự hợp tác làm việc đồng bộ của các thành viên trong nhóm. Khi thảo luận, nếu chỉ tập trung một vài thành viên làm việc còn các thành viên khác ngồi không thì không thể hướng đến cá thể hóa và không còn là phương pháp tích cực nữa.
Để khắc phục khuyết điểm trên, GV cần có giải pháp để giải quyết tình trạng lười hoạt động của một số HS, vì nếu không các em sẽ không có khả năng giải quyết các vấn đề của bản thân.
Yêu cầu đối với GV
Ngoài trang bị lượng kiến thức sâu rộng, GV còn phải thường xuyên cập nhật những thông tin, sưu tầm tư liệu, hình ảnh có liên quan đến bộ môn nhằm nâng cao nội dung kiến thức, tạo thêm hứng thú trong giờ dạy, thu hút sự chú ý theo dõi của HS. Rèn luyện kỹ năng phương pháp dạy học thiết yếu để tổ chức, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết cho HS. Tích cực hóa hoạt động học tập của HS giúp các em hiểu bài tại lớp, biết tự khám phá tri thức trên cơ sở tự giác và được tự do suy nghĩ, tranh luận và thảo luận. GV không nên làm thay việc mà phải tôn trọng ý kiến HS, nhất là những ý hay, ý sáng tạo để khơi dậy những khám phá mới mẻ từ các em. GV không bỏ sót đối tượng, dù HS đó học khá giỏi hay yếu kém. Chú trọng câu hỏi cho mọi đối tượng. Trong quá trình dạy học, GV không chỉ hướng dẫn HS tự học trên lớp mà còn hướng dẫn từng em biết cách tổ chức học ở nhà một mình như sắp xếp thời gian học, phương pháp tự học, đọc thêm các tài liệu, chuẩn bị bài học mới… Sử dụng đồ dùng dạy học hiệu quả trong các tiết dạy.
Lưu ý: Đồ dùng dạy học phải rõ ràng, đầy đủ bám sát vào từng bài học chứ không chung chung. Đồng thời, hình ảnh thật dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn sự tò mò của HS. Ngoài ra khi sử dụng cần gây sự bất ngờ, mới lạ cho cả lớp tránh sự nhàm chán, mất tập trung của các em. 
Yêu cầu đối với HS
Ở lớp:Tập trung theo dõi hướng dẫn của thầy cô, tích cực hoạt động trong giờ học, chăm chú nghe giảng chủ động lĩnh hội kiến thức, tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài, tranh luận thảo luận sôi nổi. Chịu khó động não, hoạt động tư duy để giải quyết vấn đề khi GV đưa ra tình huống hay câu hỏi phát vấn. Trang bị cho mình nhiều kỹ năng cơ bản khi học tập như: quan sát, so sánh, nhận biết, tổng quát, khái quát hóa… thông qua hình ảnh, tư liệu, mẫu vật, mô hình, thí nghiệm… Thông qua hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm trong mỗi tiết học rồi tự giác tìm hiểu, khám phá kiến thức, yêu thích bộ môn để tự mình hoàn thiện dần những kiến thức cơ bản có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Ở nhà: Cần rèn luyện tính hệ thống, đều đặn tự học ở nhà, xem lại vở ghi và đối chiếu với SGK, tìm ra những chỗ giống và khác nhau giữa kiến thức của thầy cô với SGK nếu có. Trả lời câu hỏi và làm bài tập ở cuối mỗi bài đã học. Phải đọc và suy nghĩ trước bài học mới. Tìm kiếm những thông tin liên quan đến bộ môn thông qua tư liệu trên mạng internet, sách tham khảo, báo đài… để mở rộng thêm kiến thức cho bản thân.
Trần Anh Vũ 
(GV môn sinh vật Trường THCS Châu Văn Liêm, Q. Phú Nhuận)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)