Về thăm quê ở Hà Tĩnh được mấy ngày tôi phải chuẩn bị đồ đạc, quà cáp để vào lại nơi làm việc. Trước bữa cơm chiều, mẹ dặn dò đủ thứ vì sáng mai tôi phải đi sớm. Mẹ không quên câu chuyện về sự tiết kiệm của gia đình. Mẹ từ tốn: “Ngày xưa, nếu không tiết kiệm thì bố mẹ lấy đâu ra tiền để cho tụi con ăn học thành người. Thay vì bật tivi xem thời sự, bố chỉ mở radio. Mùa mưa, nhà mình sử dụng nước mưa chứ không dám dùng nước giếng bơm vì sợ tốn điện. Giờ đây, bố mẹ đã già nên mọi việc chi tiêu trong gia đình cần phải có kế hoạch cụ thể hơn”. Tôi để ý, nhiều năm nay, ở quê tôi đa phần người ta nấu cơm bằng nồi cơm điện cho sạch sẽ, tiện lợi. Thế nhưng, nhà tôi vẫn giữ thói quen nấu cơm bằng củi. Buổi tối, bố cũng chỉ bật bóng điện lên một chút rồi đi ngủ sớm. Mẹ thường bảo, mùa mưa mà không biết tiết kiệm thì mùa nắng có gió Lào lấy đâu ra điện để sử dụng. Ngày trước tôi hay khó chịu vì cách tiết kiệm khắt khe của bố mẹ. Mãi sau này tôi mới hiểu những lời mẹ dạy không thừa.
Ngồi trên xe, tôi cứ suy nghĩ về câu chuyện của mẹ và thấy rất hợp lý. Với đồng lương “ba cọc ba đồng” của một giáo viên, hàng tháng tôi phải chi tiêu vào khá nhiều thứ. Nào tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt…, trong đó không thể không nhắc đến tiền điện. Sau chuyến về thăm quê, tôi quyết định học tập tính tiết kiệm của bố mẹ. Nếu như những lần trước, về đến nhà, việc đầu tiên tôi làm là sẽ bật quạt, thì bây giờ tôi mở cửa sổ ra cho thoáng. Và tôi cũng chỉ mở tivi khi có chương trình yêu thích. Vì thế, mặc dù tiền điện đã tăng nhưng trong hai tháng 3 và tháng 4, tôi chỉ đóng thêm 11.000 đồng so với những tháng trước.
Lâu lâu, tôi lại nghe từ nhà bếp của anh hàng xóm: Thời buổi giá cả leo thang, cái gì cũng tăng giá, nếu không biết chi tiêu hợp lý, lấy đâu ra mà dư (!?)
Mai Đường
(GV Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Hố Nai 3, Trảng Bom, Đồng Nai)
Bình luận (0)