Vào những ngày đầu năm 2017, TP.HCM đã đưa vào sử dụng thí điểm 5 chiếc xe điện nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trên lộ trình Công viên 23-9 đến Thảo Cầm Viên với giá vé 12.000 đồng/lượt. Đến nay các phương tiện này vẫn hoạt động nhịp nhàng. Tuy nhiên, hành khách vẫn chỉ xem đây là phương tiện tham quan dạo phố vì xe chỉ đón được khách ở hai đầu bến. Thực tế hàng ngày xe lưu thông theo lộ trình và có kế hoạch đón khách tại hệ thống trạm của xe buýt truyền thống.
Nữ tài xế Trần Thị Phiên đã gắn bó với xe điện từ những ngày đầu mới đưa vào hoạt động |
Dạo phố đã có… xe điện
Cảm nhận được sự sảng khoái sau 4 lần đi dạo phố cùng gia đình bằng xe điện, em Nguyễn Đức Hòa (sinh viên Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM) đã rất thích thú khi đưa 2 bạn cùng lớp đến Công viên 23-9 để đi xe điện đến Thảo Cầm Viên chơi vào ngày 25-4. Lên xe ở đầu tuyến Công viên 23-9, Hòa nhanh nhảu “quảng cáo”: “Chỉ cần đi xe này một lần là các bạn sẽ thích nó cho mà coi”. Theo cảm nhận của Hòa: “Đi trên xe điện rất sướng, thoáng mát, tha hồ hít thở không khí tự nhiên. Nhất là mẹ em hay bị dị ứng với máy lạnh của xe ô tô, nên đi xe điện mẹ rất ưng bụng. Ước gì mai mốt thành phố có tuyến xe điện đi ngang nhà em ở quận Tân Bình”.
Vào ngày nghỉ lễ, bé Lương Bích Trâm (học sinh lớp 2/3, Trường Tiểu học Lê Văn Việt, quận 9) cũng được cha mẹ cho đi Thảo Cầm Viên chơi. Tuy nhiên, khi mới đến cả nhà Trâm quyết định dạo phố một vòng bằng xe điện từ Thảo Cầm Viên đến Công viên 23-9 và ngược lại. Chị Lê Thị Lan (mẹ bé Trâm) nói rằng: “Thành phố có xe điện thì tội gì mình không đi cho biết. Mà đi rồi tôi cũng thấy hay. Vì xe điện không chỉ có nhiều tiện ích phục vụ hành khách như thoáng mát, sạch sẽ, có camera giám sát, đặc biệt loại phương tiện này còn thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Cũng đưa con đến chơi ở Thảo Cầm Viên, nhưng sau đó lại muốn cùng con đến tham quan chợ Bến Thành, nên anh Phan Thành An (ngụ Đồng Nai) loay hoay để tìm xe di chuyển. Khi thấy chiếc xe điện chở khách từ ngoài đường vào cổng Thảo Cầm Viên, hai cha con anh An lại gần chỗ trả khách để hỏi thăm, chị tài xế xe điện cho biết xe điện có chở khách đi qua chợ Bến Thành nên anh An mua vé ngay. Khi ngồi trên xe điện, cậu con trai anh An ở tuổi mầm non líu lo với đủ thứ câu hỏi. Nữ tài xế vui vẻ giải đáp từng thắc mắc của cậu bé, nhưng vẫn không quên giới thiệu cho du khách về những địa danh nổi tiếng của thành phố trên lộ trình xe đi qua như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố, UBND thành phố…
Hướng đến giảm phương tiện xe cá nhân khu vực nội đô
Theo nhận định của Sở GTVT TP.HCM, loại xe điện 12 chỗ ngồi là phương tiện giao thông phù hợp trong một môi trường giao thông nội ô đông đúc. Do đó, nếu sau 3 năm thí điểm mà xe điện hoạt động phục vụ hành khách có hiệu quả, Sở GTVT TP.HCM sẽ nhân rộng mô hình này với mục đích phục vụ du khách nội ô và hướng đến mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm TP. |
Nữ tài xế Trần Thị Phiên, người đã gắn bó với xe điện từ những ngày đầu mới đưa vào hoạt động. Chị Phiên cho biết, loại xe điện được sử dụng phục vụ khách tuyến Công viên 23-9 đến Thảo Cầm Viên là loại xe 12 ghế ngồi, hoạt động từ 9-20 giờ vào ngày thường, riêng ngày thứ bảy và chủ nhật từ 8-21 giờ. Khách hàng của xe điện chủ yếu là khách du lịch người Việt hoặc du khách nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách chỉ tập trung vào ngày cuối tuần, còn ngày thường rất ít, chủ yếu là người các tỉnh và du khách nước ngoài. Nguồn khách chủ yếu là ở hai đầu bến là Công viên 23-9 và Thảo Cầm Viên. Vào ngày 25-4, theo quan sát của người viết trên suốt một lộ trình từ công viên đến Thảo Cầm Viên và ngược lại, có tổng cộng khoảng 25 nhà chờ xe buýt nhưng xe điện không đón được một khách nào, mặc dù đến bất cứ trạm nào nữ tài xế cũng chủ động “rao” các điểm xe đi qua để mời khách. Không chỉ “kén” khách trên lộ trình lưu thông, mà ngay ở trạm xe ở Công viên 23-9 và Thảo Cầm Viên, các tài xế đều phải nỗ lực chào mời từng người. Nguyên nhân khách chưa chọn xe điện là phương tiện phổ biến phục vụ cho nhu cầu đi lại thường xuyên, khi đi học hoặc đi làm theo chị Phiên là do nhiều người vẫn còn hiểu nhầm xe điện là xe của khách sạn, xe của Thảo Cầm Viên hoặc xe hợp đồng chở khách du lịch nên… không dám đi.
Để ngày càng tiến tới mục tiêu đưa xe điện trở thành một trong những phương cách giảm lượng xe cá nhân ở khu vực nội đô, chị Phiên cho rằng rất cần đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin để người dân biết đến xe điện nhiều hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần bổ sung hệ thống nhà chờ dành riêng cho xe điện ở những tuyến đường ít xe buýt truyền thống đi qua. Vì thực tế có một số tuyến đường như Lý Tự Trọng, Nguyễn Siêu, Thái Văn Lung… rất ít nhà chờ xe buýt. Cụ thể, tuyến đường Thái Văn Lung không có trạm dừng, nên nếu khách muốn đi xe điện phải qua tới đường Nguyễn Du mới có trạm. Hoặc từ đường Lý Tự Trọng muốn đi xe điện thì phải ra tới đường Lê Duẩn mới có trạm. Chính vì vậy, nên hiện nay trên nhiều tuyến đường, tài xế phải chọn những điểm vắng người, hoặc “tranh thủ” đón trả khách ở những điểm dừng chờ đèn đỏ. Chưa kể thời gian giãn cách mỗi chuyến xe lên đến 30 phút, trong khi xe buýt truyền thống chỉ từ 5-7 phút. Chị Phiên cho rằng, những bất cập này sẽ khiến cho hành khách khó chọn xe điện là phương tiện ưu tiên.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)