* Phóng viên: Hiện chỉ tiêu bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM là 5.000, ở Trường ĐH Mở TPHCM là 1.300… Có vẻ như mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đề ra là giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN trong các trường ĐH đã không được thực hiện?
– Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: Việc cắt giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN trong các trường ĐH đã được Bộ GD-ĐT thực hiện từ hơn 3 năm qua, theo nguyên tắc giảm từ 15% đến 20% ở các trường không có truyền thống đào tạo hệ dạy nghề và TCCN. Việc cắt giảm như vậy là để các trường ĐH có thể tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế không phải trường TCCN nào cũng có chất lượng đào tạo tốt. Nếu cứ ép không để một số trường ĐH đào tạo TCCN, học sinh phải vào học trong các trường TCCN yếu kém thì lại khổ cho người học. Tôi cho rằng việc không để cho một số trường ĐH đào tạo TCCN hay dạy nghề trong khi trường dư thừa năng lực, người học có nhu cầu, đó là sự lãng phí. Bên cạnh đó, không phải trường ĐH nào cũng muốn đào tạo TCCN hay đào tạo nghề vì đào tạo TCCN hay đào tạo nghề liên quan đến kỹ thuật – công nghệ, thường có chi phí khá cao trong khi học phí lại không được thu cao.
* Như vậy sẽ khó bỏ hẳn việc đào tạo TCCN trong các trường ĐH?
– Việc đào tạo TCCN hiện nay có 2 quan điểm. Một quan điểm cho rằng vẫn tiếp tục để các trường ĐH được phép đào tạo hệ TCCN. Một quan điểm nữa thì cho rằng nên để các trường ĐH tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, làm cho việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH khả thi hơn, đỡ bị chồng chéo các hệ đào tạo trong một nhà trường. Vấn đề cho hay không cho trường ĐH đào tạo TCCN hoàn toàn không đơn giản, cần phải có tính toán kỹ hơn, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của các bên liên quan: trường TCCN – trường ĐH – người học.
Học viên Trường Trung cấp nghề số 12 (Bắc Giang) trong một giờ thực hành.
Trong mối quan hệ này, cần đặt lợi ích của người học lên trên hết, đừng để cho người học phải tiếp nhận những chất lượng dịch vụ không tốt mà lại không có nhiều sự lựa chọn. Ở đâu chất lượng đào tạo tốt, hiệu quả đào tạo cao, người học hài lòng thì nên khuyến khích ở đó đào tạo nhân lực cho đất nước. Thật không công bằng nếu dùng “cơ chế” để ép học sinh phải chấp nhận dịch vụ giáo dục chất lượng không tốt, trong khi còn có những lựa chọn khác tốt hơn.
* Nhưng không thể phủ nhận việc các trường ĐH có đào tạo bậc TCCN đã khiến thí sinh không mặn mà với các trường TCCN, thưa ông?
Trong 10 năm qua, quy mô đào tạo trung cấp chuyên nghiệp phát triển rất mạnh, từ trên dưới 200.000 đến nay đã có hơn 660.000 học sinh, đủ thấy bậc học này có uy tín với xã hội.
|
– Không thể nói nếu bộ không cho các trường ĐH đào tạo bậc học này nữa thì thí sinh sẽ đổ về các trường TCCN. Như tôi đã nói, mỗi năm chỉ có khoảng trên dưới 20.000 học sinh được tuyển vào học TCCN, đây là con số rất nhỏ so với quy mô nhập học tại các cơ sở đào tạo TCCN (hơn 330.000 chỉ tiêu). Tôi nghĩ vấn đề là các trường TCCN cần phải nhìn lại vì sao mình không tuyển sinh được trong số hơn 300.000 học sinh còn lại, thay vì cho rằng các trường ĐH giành hết của mình?
Nói thẳng ra là có những trường TCCN rất tốt, thu hút được rất nhiều học sinh nhưng cũng có những trường thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên, chương trình không đổi mới… Xin đừng nhìn vào một vài TP lớn để đưa ra những nhận xét như vậy, bởi vì mạng lưới các trường TCCN trải khắp đất nước, đang chiếm các phân khúc thị trường đào tạo mà các trường ĐH không vươn tới được.
* Nhiều trường TCCN quảng cáo học TCCN là “đi đường vòng để lấy bằng ĐH”. Theo ông, việc được liên thông có phải là yếu tố quan trọng để thí sinh lựa chọn học hệ trung cấp?
– Tôi không cho rằng học liên thông là yếu tố quan trọng nhằm thu hút thí sinh vào học TCCN mà quan trọng là việc làm và thu nhập. Đây chính là yếu tố đầu tiên học sinh nghĩ tới khi lựa chọn học TCCN. Theo tôi, trường TCCN phải bằng việc cung cấp dịch vụ giáo dục tốt, quảng bá tốt, tạo điều kiện đầu ra cho học sinh, quan hệ với doanh nghiệp tốt, thường xuyên đổi mới chương trình, phương pháp dạy học để người học chọn mình. Liên thông không phải là mục đích để lấy mảnh bằng mà cần hiểu liên thông là cơ chế, là phương tiện để đạt được mục đích là việc làm và thu nhập.
Bình luận (0)