"Tới đây Bộ sẽ giao quyền tự chủ cho các trường, đồng thời phối kết hợp với các Bộ, ngành liên quan để tạo những cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động KH-CN của các trường ĐH và Viện nghiên cứu…". Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sáng 11/6
Bộ GD-ĐT cho biết, nhìn chung trong giai đoạn 2006- 2010, chất lượng hoạt động KH-CN trong các trường ĐH, CĐ đã tiếp cận tới trình độ khoa học của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng hoạt động KH-CN vẫn có những hạn chế, nhận thức về hoạt động KH-CN chưa sâu sắc. Có không ít thầy cô giáo, kể cả những thầy cô giáo có học vị cao cũng chỉ chú trọng đến giảng dạy, ít chú ý đến hoạt động công nghệ, chuyển giao khoa học.
Một giờ tự nghiên cứu KH của SV ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên.
"Cũng có người hoạt động khoa học để nhắm mục đích khác, ví dụ phấn đấu để trở thành GS, PGS. Không ít người ngồi lại kiểm ra thiếu 2,3 bài báo khoa học, 1 quyển sách để có thể trở thành PGS, GS nên cố ngồi mà viết. Chứ không phải là kết quả nghiên cứu…." – Bộ trưởng nêu thực tế.
"Tôi hay vào hiệu sách Tràng Tiền và đứng rất lâu ở khu sách chuyên khảo về kinh tế. Rất nhiều sách giống nhau với hình thức dầy, in bìa đẹp nhưng na ná giống nhau…Và tôi có suy nghĩ đó không phải là kết quả của công trình nghiên cứu nghiêm túc" – Bộ trưởng cảnh báo.
Mảng nghiên cứu về khoa học giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu. Thiếu hụt, lạc hậu và không gắn kết được lí luận giáo dục và thực tiễn hoạt động của ngành là rất rõ. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm là thuộc về lãnh đạo Bộ.
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, giảng viên chưa mặn mà với NCKH là do kinh phí cấp cho 1 cán bộ giảng dạy tính trung bình hàng năm được tăng dân nhưng còn quá thấp. Năm 2006: 6,87 triệu đồng/1 người/1 năm thì đến năm 2010 là 9.74 triệu VNĐ/1 người/ 1 năm.
Tổng số giảng viên, nghiên cứu viên tại các ĐH, CĐ trực thuộc Bộ là 23.571 người. Trong đó có 106 giáo sư, 1097 phó giáo sư, 2.762 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 9.551 thạc sĩ, 10.055 cử nhân và kỹ sư.
Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên so với tổng số giảng viên còn thấp, chỉ chiếm 16,9%. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các trường ĐH, CĐ một mặt còn hạn chế về số lượng, chất lượng. Các giảng viên bị áp lực của số giờ giảng cao nên chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động NCKH.
Phạm Thi / Vietnamnet
Bình luận (0)