Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xét tuyển viên chức giáo dục ở Quảng Trị: “Chạy” từ giai đoạn nộp hồ sơ!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong các ngày từ 15 đến 17.6, Phòng Nội vụ huyện Hải Lăng tổ chức tiếp nhận hồ sơ xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục năm 2010. Hàng trăm giáo sinh và phụ huynh của họ bức xúc và thất vọng trước cung cách làm việc “có ý đồ” loại bớt người dự tuyển của những nhân viên thực thi công vụ ngay trong giai đoạn đầu tiên của hoạt động tuyển dụng viên chức: Tiếp nhận hồ sơ.

Nhiều giáo sinh không được nộp hồ sơ

Hàng trăm phụ huynh có con em vừa tốt nghiệp các trường sư phạm, hoặc đã dạy hợp đồng ở các trường nhiều năm nhưng vẫn chưa được tuyển dụng để trở thành viên chức giáo dục, đã phản ánh: Theo thông báo của Hội đồng tuyển dụng viên chức giáo dục huyện Hải Lăng năm 2010, trong các ngày 15 – 16 và 17.6.2011, họ đã đến Phòng Nội vụ Hải Lăng để nộp hồ sơ, nhưng bằng những cách thức gây khó khăn, các nhân viên ở đó đã không nhận hồ sơ của con em họ.

“Phiên chợ” nộp hồ sơ dự tuyển viên chức giáo dục ngày 17.6,

tại Hải Lăng – Quảng Trị. 

Một giáo sinh không được nhận hồ sơ nói: “Ngày 17.6, người ta mới nhận loại hồ sơ ngành của tôi (âm nhạc). Tôi đến sớm, chen lấn, đợi mãi mới được nhân viên ở đó xem hồ sơ, nhưng rồi người ta trả lại với lý do: Bản sao hộ khẩu công chứng từ năm… 2010, giấy khám sức khoẻ không có dòng chữ “ban hành kèm theo thông tư số 13/2007 – ngày 21.11.2007 của Bộ Y tế” và tem dán trên bì thư liên lạc có mệnh giá 2.000 đồng (chỉ nhận bì thư có dán tem mệnh giá 1.000 đồng)”. Trong ngày 17.6, tôi “chạy” được cái giấy khám sức khoẻ có ghi dòng chữ trên, nhưng các loại giấy công chứng khác thì làm trễ quá, khi tôi vào lại đến huyện Hải Lăng thì người ta bảo “sau 17 giờ là đóng hồ sơ rồi”.

Nhiều giáo sinh khác bị rơi vào tình trạng như trên nói thêm rằng, khi họ trở lại các cơ sở y tế để xin cấp lại mẫu giấy khám sức khoẻ có dòng chữ theo yêu cầu trên, thì một số cơ sở y tế nói rằng “giấy đã cấp là đúng rồi, ai không nhận là vi phạm, không cấp lại”. Thế là họ bị “mắc bẫy” hết hạn nộp hồ sơ trong ngày 17.6.2011.

“Cần rút kinh nghiệm”

Trả lời PV Lao Động ngày 24.6, ông Hồ Vĩnh Hiếu – Trưởng phòng Nội vụ huyện Hải Lăng – nói: “Tôi vừa mới nhận nhiệm vụ trưởng phòng này mấy tháng, trong hai ngày 16 và 17.6, tôi không có mặt ở cơ quan do bận họp, làm việc với cơ quan cấp trên. Sau khi kết thúc đợt nhận hồ sơ tôi có nghe phản ánh, dư luận không hay xung quanh việc tiếp nhận hồ sơ”. Hỏi: Ông có kiểm tra, xử lý thông tin từ dư luận không? Ông Hiếu: “Có kiểm tra lại, tôi nghĩ là để rút kinh nghiệm lần sau, còn lần này thì sẽ vẫn công bố điểm để người dự tuyển đến xem, đối chiếu…”.

Diễn tiến bức xúc của người dân trong những ngày qua dường như không đến được với cơ quan chức năng. Chỉ riêng việc phân lịch tiếp nhận hồ sơ của Phòng Nội vụ Hải Lăng đã là bằng chứng của việc cố ý loại bỏ hồ sơ bằng công nghệ “hết hạn”. Ngày 15.6: Nhận hồ sơ mầm non (giáo viên mầm non); ngày 16.6: Nhận hồ sơ kế toán, y tế học đường; ngày 17.6: Nhận tất cả các hồ sơ còn lại. Kết quả như sau: Trong tổng số 213 hồ sơ đã được nhận, có 10 hồ sơ giáo viên mầm non, 37 hồ sơ kế toán và y tế học đường.

Như vậy trong hai ngày 15 và 16.6, phòng này chỉ tiếp nhận 47 hồ sơ của ba ngành; trong khi đó, số hồ sơ của mười ngành còn lại (giáo viên tiểu học, Đội – giáo dục công dân, âm nhạc, âm nhạc – Đội, thể dục – Đội, công nghệ, mỹ thuật, sinh học, tiếng Anh, tin học) chỉ được nhận trong ngày cuối cùng.

Dù Phòng Nội vụ Hải Lăng vẫn tiếp tục thực hiện ý chí công bố kết quả xét tuyển của mình, nhưng chắc chắn dư luận trong đông đảo giáo sinh, phụ huynh trên địa bàn sẽ rất không thoả mãn về một cách tuyển dụng nhân lực với quá nhiều chữ không như vậy: Không minh bạch, không công bằng, không nhân văn…

Theo Lam Chi

Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)