Một tiết học phát huy tính tích cực của thầy và trò. Ảnh: N.Q
|
Năm học 2010-2011 là năm thứ hai ngành GD-ĐT Q.Phú Nhuận thực hiện chủ đề “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, trong đó trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, tiến tới chấm dứt lối dạy “thầy đọc – trò chép”; giáo viên ứng dụng sáng tạo phương pháp định hướng gợi mở tạo điều kiện cho học sinh (HS) chủ động học tập với thái độ tích cực.
Phát huy vai trò “đầu tàu” của hiệu trưởng
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) tại các trường, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận triển khai kế hoạch và nội dung đến tất cả các trường trên địa bàn, nêu rõ vai trò trách nhiệm “đầu tàu” của người hiệu trưởng. TS. Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, cho biết trên cơ sở đổi mới tư duy của xã hội và của ngành, các trường tích cực vận dụng tám bài học trong đổi mới quản lý, từ quan điểm giáo dục tích cực đến thiết lập cơ chế tổ chức hoạt động khoa học và chuẩn mực trong giáo dục, nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo của giáo viên và HS trong quá trình dạy và học. Trọng tâm của chuyên đề là góp phần đào tạo HS thành những con người mới năng động, tự tin; chuyên đề được tiến hành đến tổ chuyên môn, từng giáo viên, qua đó có sự giám sát giúp đỡ của ban giám hiệu, các chuyên viên phòng GD-ĐT nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục của các trường trong toàn quận.
Trong quá trình đổi mới PPDH, ngành GD-ĐT xác định người hiệu trưởng là nhân tố quan trọng trong quản lý và tổ chức giáo viên thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Theo đó, người hiệu trưởng cần làm tốt việc quản lý hoạt động soạn bài và chuẩn bị giờ lên lớp, thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, dự giờ và đánh giá chất lượng dạy học của giáo viên theo hướng đổi mới PPDH; quản lý việc đánh giá kết quả học tập của HS; tổ chức bồi dưỡng và rèn luyện các kỹ năng về đổi mới PPDH cho giáo viên; đồng thời quản lý hoạt động học tập của HS, tạo điều kiện để các em hình thành ý thức tự học, phương pháp đọc sách, nghiên cứu tài liệu để đúc rút và tích lũy kiến thức…
Để thực hiện những công việc trên, người hiệu trưởng, bên cạnh trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề còn cần nghiên cứu, nâng cao kiến thức về đổi mới PPDH, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị bạn ứng dụng sáng tạo vào trường của mình.
Phát huy tính tích cực, chủ động của thầy và trò
HS là chủ thể của hoạt động học, các em cần được cuốn hút vào những hoạt động trong tiết học do người thầy tổ chức, qua đó tự khám phá những kiến thức chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt. Nhằm nâng cao năng lực phát hiện, tính chủ động tiếp thu kiến thức của HS, giáo viên ở nhiều trường tổ chức tiết học thành tiết trao đổi kiến thức giữa thầy và trò, thầy gợi mở những vấn đề để trò tự phát hiện và kết luận…
Việc tổ chức học theo nhóm cũng được thực hiện thường xuyên. Trong một số tiết học, HS được bố trí ngồi học theo từng nhóm để chủ động phát biểu, thảo luận nội dung bài học. Bàn ghế được sắp xếp thành nhiều cụm không hướng lên bảng như cách tổ chức lớp truyền thống. Mỗi nhóm có khoảng 4-6 HS ngồi đối diện nhau để các em dễ trao đổi khi làm bài tập. Trong các tiết học ở bộ môn tiếng Việt lớp 1, cô giáo hướng dẫn và làm mẫu, sau đó HS tự viết ghép chữ cái lên tấm bảng nhỏ theo chủ đề bài học và tập đánh vần. Cô đến từng nhóm để nhận xét, ngợi khen hoặc uốn nắn các em. Tiết học trở nên hào hứng và sinh động.
Trong đổi mới PPDH, giáo viên còn chú trọng phát triển khả năng tự học của HS, hướng dẫn các em phương pháp suy luận, phát hiện kiến thức mới. Nhiều bài giảng thực sự tác động đến tình cảm của HS, đem lại niềm tin về những giá trị nhân văn và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chuyên đề “HS khám phá và cảm thụ tác phẩm theo hướng dẫn của giáo viên” với tiết dạy minh họa Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong môn văn ở trường THCS là một ví dụ. Theo đó, giáo viên gợi mở, dẫn dắt, hướng HS thảo luận, khám phá, phân tích những nội dung chính… Từ đó, HS cuốn hút vào các nhân vật trong tác phẩm văn học và sau bài học, điều đọng lại trong các em là truyền thống nhân bản cao đẹp của con người Việt Nam, sống hòa hiếu, sẵn sàng cứu giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Tăng cường ứng dụng CNTT
Ứng dụng CNTT trong dạy và học là một nội dung quan trọng ở các trường phổ thông. Tất cả các trường TH và THCS trên địa bàn quận đều được đầu tư trang bị hệ thống máy tính nối mạng và các thiết bị máy chiếu đa năng – projector, bảng điện tử… Câu lạc bộ tin học của ngành đã có nhiều sáng kiến ứng dụng CNTT vào đổi mới PPDH; các cuộc thi giáo án điện tử đã cho ra đời nhiều giáo án mẫu có chất lượng. Các cuộc thi giải toán qua internet dành cho HS TH và THCS thường xuyên được tổ chức nhằm giúp HS làm quen với internet, nâng cao chất lượng và tạo thêm hứng thú cho các em học tập môn toán. Qua đó, nhà trường phát hiện và bồi dưỡng kịp thời những HS có khả năng về môn toán để bồi dưỡng thêm.
Cùng với website của phòng GD-ĐT, nhiều trường TH và THCS đã xây dựng được website riêng với nội dung thông tin phong phú. Đây thực sự là diễn đàn của những người làm công tác giáo dục, thông tin trao đổi những kinh nghiệm, cách làm trong đổi mới PPDH… Đồng thời là phương tiện kết nối hữu hiệu giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc cùng chăm lo giáo dục con em, chăm lo phát triển sự nghiệp GD-ĐT.
Bùi Quý Toản
Bình luận (0)