Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lung lay mục tiêu vì thiếu giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2011 là năm đầu (giai đoạn 2011 – 2015) triển khai đại trà chương trình giáo dục ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông và chương trình dạy – học ngoại ngữ tăng cường đối với các bậc, trình độ đào tạo. Tuy nhiên, mục tiêu này tiếp tục lung lay khi đối mặt nguy cơ thiếu giáo viên, giáo viên tiếng Anh không đủ chuẩn…

Lớp tiếng Anh bậc tiểu học tại ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng Ảnh: Nguyễn Huy.
Nhận định được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2011 của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại 18 trường ĐH, CĐ do Ban chỉ đạo đề án (Bộ GD – ĐT) tổ chức tại ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, sáng 25 – 6.
Lãnh đạo Bộ cho hay, khó khăn nhất vẫn là đội ngũ giáo viên triển khai đề án. Qua kiểm tra, đánh giá giáo viên ở những địa phương thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, chất lượng giáo viên một số nơi còn thấp hơn chuẩn đầu ra của học sinh theo yêu cầu cho đề án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận thường trực Đề án, trong số gần 600 giáo viên tiếng Anh tiểu học được đánh giá vừa qua, chưa kể năng lực sư phạm, phần lớn giáo viên đạt trình độ A1, còn lại hơn 260 giáo viên đạt trình độ tiếng Anh A2.
Để thực hiện đề án, cả nước cần có thêm 10 ngàn giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. Trong khi đó, việc dạy – học gặp nhiều khó khăn. Ngoài ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng tiên phong mở các lớp tiếng Anh bậc tiểu học, phần lớn trường ĐH, CĐ chưa có mã ngành đào tạo riêng cho ngành học này.
GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nêu thực trạng: hiện các trường xây dựng chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên của mình, nhưng trong năm học vừa qua, có đến 80 – 90% các trường không đạt đủ các tiêu chí này, trong đó, chủ yếu vẫn vướng ở khâu ngoại ngữ.
Năm 2011, 18 trường ĐH, CĐ tham gia thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020, với yêu cầu: đảm bảo đội ngũ giáo viên tiếng Anh đủ số lượng, đủ năng lực; xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh đáp ứng yêu cầu đề án; đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy – học ngoại ngữ với tổng kinh phí 60 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thực hiện đề án và trên 37 tỷ đồng từ các nguồn khác (địa phương)…
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban chỉ đạo Đề án, phương châm thực hiện lúc này là “chậm mà chắc”, không chạy theo số lượng. Nơi nào đủ điều kiện làm trước, địa phương nào chưa đủ điều kiện thì đẩy nhanh việc đảm bảo các yêu cầu để triển khai mục tiêu đề án; đồng thời cần xã hội hóa việc dạy tiếng Anh, ngoại ngữ cả trong nước và tranh thủ sự liên kết, hợp tác từ các cơ sở đào tạo, tổ chức nước ngoài.
Theo mục tiêu Đề án, năm 2009 tiến hành thí điểm chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông và chương trình ngoại ngữ tăng cường cho các cơ sở đào tạo; triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% học sinh lớp 3. Từ năm 2010 đến 2015, triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm phổ thông; dạy toán bằng ngoại ngữ ở khoảng 30% các trường THPT tại các thành phố, đô thị lớn; mỗi năm tăng thêm 10 – 20% số trường, mở rộng ra 5 tỉnh, thành phố và một số môn học khác…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: Đề án được Chính phủ phê duyệt năm 2008 nhưng thực chất năm 2010 chúng ta mới bắt tay triển khai, ngay đến một hội nghị khởi động đề án cũng chưa được tổ chức. Kết thúc giai đoạn 2008 – 2010, mới có gần 100 trường tiểu học trên cả nước thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3.
Lộ trình 2011–2012, Bộ thí điểm dạy tiếng Anh học sinh lớp 4 và lớp 6, đến năm 2012–2013 thí điểm các lớp 5–7 và lớp 10 thay vì triển khai đại trà.
Nguyễn Huy / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)