Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trăn trở về phương pháp giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, câu thành ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ít được các bậc phụ huynh nhắc tới, bởi lẽ họ đã cập nhật và áp dụng phương pháp giáo dục mới: giáo dục bằng lời khuyên, bằng tấm gương của mình, tấm gương của mọi người xung quanh… Một gia đình chỉ có từ một đến hai con, nên bậc làm cha làm mẹ cưng con như trứng mỏng, chăm con từng li từng tí, dễ dàng phát hiện khi con có một vết xước, vết bầm; họ luôn lắng nghe con tâm sự nên dễ đau lòng khi nghe con kể về một bạn nào đó, một thầy cô giáo nào đó nói hoặc làm điều gì tổn thương đến con, cháu họ…
Tôi còn nhớ cách đây ba năm, một cô giáo trường tôi đã đánh một cô bé gái trắng trẻo, dễ thương để lại vết bầm trên cánh tay. Người mẹ đã vào trường ngay chiều hôm đó, khóc rất nhiều và kể rất nhiều về tâm trạng của tất cả mọi người trong gia đình khi phát hiện ra điều ấy, bởi lẽ cả gia đình ấy không bao giờ dạy con bằng cây roi… Nghe người mẹ ấy kể về gia đình mà tôi còn thấy nao nao trong lòng, vì tôi cũng không mặn mà lắm việc giáo dục trẻ bằng roi. Là người quản lý, tôi đã phải xin lỗi phụ huynh rất nhiều, nhưng tôi biết lời xin lỗi của mình cũng không xoa được nỗi đau của gia đình.
Vậy mà giờ đây, tôi phải ngồi đọc và thật đau lòng khi ngồi ngắm bức ảnh một em trai tên P. – 11 tuổi bị nhiều vết bầm trên đùi vì bị công an phường T.X (TP.Huế) hỏi cung và đánh. Những ngày này, mỗi khi ngồi vào máy tính là tôi lại mở trang báo viết về em P. xem. Vì P. trạc tuổi con trai tôi, vừa là cỡ tuổi thế hệ học trò cấp tiểu học tôi đang quản lý.
Tôi lo sợ viển vông…
Khi viết những dòng này tôi không mong một cách tuyệt đối phụ huynh bỏ hẳn cây roi, người thực thi pháp luật bỏ hẳn dụng cụ hỗ trợ, nhưng hãy sử dụng nó như thế nào, với đối tượng nào, với mức độ nào… để có được hiệu quả giáo dục cao. Vì trước mắt có những đứa con như quen với việc cha mẹ đánh mới chịu học, chịu làm… Còn đối với giáo viên, tôi luôn nhắc đừng vi phạm nhân cách học sinh, nhưng phụ huynh vẫn “kêu lên” với cô giáo chủ nhiệm: cô không đánh cháu để cháu đánh và phá, ăn cắp đồ con tui hoài… Và giáo viên đã trả cháu cho tôi để tôi giải quyết… Đó là điều trăn trở của tôi – chưa làm xuể, vì giáo dục một học sinh trở thành người tốt cần một thời gian dài và có sự phối hợp với gia đình.
Trần Mỹ Lệ
(Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)