Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục đạo đức học sinh: Bài 1: Không phải “thương cho roi cho vọt…”

Tạp Chí Giáo Dục

GV nên đặt mình vào hoàn cảnh của HS để hiểu thấu đáo, giúp các em vượt qua lỗi lầm một cách nhẹ nhàng
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là quan niệm mà nhiều giáo viên (GV) vận dụng khi học sinh (HS) mắc lỗi như chép phạt, đứng úp mặt vào tường… thậm chí còn la mắng. Tuy nhiên, chính hình phạt này đã khiến không ít HS đau về thể xác lẫn tâm hồn. Vì vậy không ít nhà giáo khẳng định phương pháp giáo dục này có tác dụng… ngược.
HS “sợ” bị phạt, bêu xấu
N.H.A, HS Trường THCS Đ. (Q.Bình Thạnh) bị thầy giám thị phạt tội đánh nhau… bằng một biên bản tường trình về hành động, trách nhiệm cũng như lời cam kết sẽ không tái phạm. Để làm gương răn đe cho HS khác, H.A. còn phải thừa nhận các hành vi: Thiếu tôn trọng thầy cô, bạn bè, coi thường nội quy nhà trường, lý tưởng sống mờ nhạt, thích thể hiện bản thân… Tưởng chừng A. sẽ đổi thay học tốt hơn, nhưng sau khi bị đứng trước cờ, em tỏ ra căm ghét thầy giám thị, ít giao tiếp với bạn bè xung quanh vì thấy xấu hổ. Với A. – đó là sự trừng phạt và bêu xấu nặng nề.
Tại hội thảo Giáo dục đạo đức lối sống cho HS bằng phương pháp kỷ luật tích cực, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM vừa qua, cả hội trường im lặng khi Lê Thị Hà My (HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), cho biết đối với HS – việc mắc khuyết điểm là hết sức bình thường. Bởi HS đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách. Song nhiều thầy cô đã sử dụng hình phạt bằng các hình thức như: úp mặt vào tường, lập biên bản, đứng trước cờ, dán băng keo vào miệng kèm theo la mắng, quở trách nặng lời… thì thật sự không hay, làm tổn thương về tinh thần cũng như thể xác. HS rất sợ bị trừng phạt, bêu riếu trước đám đông.
Ngày nay, các em HS đang được tiếp nhận một lối sống cởi mở hơn nên việc đấu tranh cho bản thân cũng hết sức mạnh mẽ. Các em chỉ chấp nhận khi thấy hợp lý. Những hình phạt và lời chỉ trích mà GV hay sử dụng khi HS phạm lỗi, vô tình đã làm tổn thương về mặt tinh thần và đau về thể xác. Đấy là chưa kể, nhiều GV chịu nhiều áp lực từ cuộc sống hay công việc giảng dạy đã không kiềm chế được sự nóng nảy nên buông những lời khiếm nhã như: “Sao mà ngu thế, đầu óc bã đậu…”, điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, “nó sẽ đồng nghĩa với sự bất lực của GV trong việc giải quyết vấn đề”, bà Tạ Thúy Hạnh – Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển cho biết.
Bà Thúy Hạnh kể về trường hợp em V.T. – một HS THCS ở tỉnh Bắc Giang – ít khi học thuộc bài, vì thế T. đã bị GV bắt chép phạt, bất kể em cố công giải thích. Mỗi lần không thuộc bài, T. chép ít nhất hai bài học đó và bài chép phạt sẽ nhân lên cho đến khi nào thuộc bài thì thôi, thậm chí em còn bị vài lần quỳ gối trước lớp khoảng 10 phút mỗi lần. Vô tình, sự trừng phạt đã hằn lên những vết thương trong ý thức cậu bé. Bà Thúy Hạnh đã được T. chia sẻ: “Em đã quen thuộc với hình phạt này lắm rồi, em không thích đến lớp. Mỗi ngày đến lớp của em như địa ngục. Những lúc bị phạt, em chỉ muốn bỏ học vì đó là sự bêu riếu. Em ghét cô giáo”. Cũng theo bà Thúy Hạnh, kết quả thu được trong một cuộc khảo sát tại tỉnh Bắc Giang cho thấy có đến 80% trẻ em rất sợ bị bêu riếu.
GV hãy “làm bạn” với HS
Sự trừng phạt hay bêu xấu có thể hủy hoại mối quan hệ quan tâm, gắn bó giữa thầy và trò, khiến trò lo lắng, không những đau khổ nhất thời mà còn có thể khiến sợ hãi, mất ý chí, mất niềm tin, sống thu mình, hận thầy cô, bạn bè… Nghiêm trọng hơn, nhiều em còn bỏ học, chơi bời dễ sa ngã. Đây là “mầm mống” của các hiện tượng tiêu cực, gây rối loạn trật tự xã hội.
Nguyên nhân HS phạm lỗi có thể là từ phía gia đình, nhà trường và cũng có thể do mối quan hệ bạn bè hoặc ngay chính bản thân HS đang trong độ tuổi trưởng thành, luôn nghĩ mình đã lớn nên mọi hành động đều đúng. “Điều này được coi như lẽ tự nhiên của quá trình học tập và phát triển”, bà Thúy Hạnh nhấn mạnh. Song những lúc này, bằng tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo – không những dạy chữ mà còn phải dạy người, GV nên giúp HS tự nhận thức được tội lỗi, tự kiểm soát hành vi thái độ trên cơ sở các quy định. Để làm được điều này, theo bà Hạnh, thầy cô phải đặt mình vào vai trò là bạn, là anh – chị, là mẹ – cha của HS. Đây là điều kiện giúp GV dễ dàng hỏi han, chia sẻ, động viên, giúp các em nhận ra điều sai. Từ đây, trò có thể thực hiện hành vi, được xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng và tính trách nhiệm. Đó chính là giáo dục đạo đức bằngphương pháp kỷ luật tích cực. Việc làm này, giúp HS phát triển nhân cách chứ không phải làm các em đau đớn. Mặt khác, HS còn tỏ ra tâm phục, khẩu phục và không thấy sợ khi bị phạt.
PGS.TS Nguyễn Dục Quang (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực là phi bạo lực về tinh thần và thể xác, là quá trình thường xuyên, liên tục, nhất quán và thông qua đây, khuyến khích khả năng lựa chọn và phát huy của HS. Hình thức này, giúp HS có những hành động đúng đắn. Đặc biệt tránh chửi mắng, sỉ nhục, bêu riếu cũng như bạt tai, bắt quỳ gối, vì nó ảnh hưởng lâu dài đến các em.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

“Trừng phạt thân thể hay mắng nhiếc, sỉ nhục là hành vi tiêu cực, để lại nhiều hậu quả cả về mặt thể chất, tâm lý, tinh thần cho HS; không chỉ làm các em lo lắng đau khổ mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển về tình cảm, thể chất, thành tích học tập” – ThS. Bùi Ngọc Diệp (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) khẳng định…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)