Một bảng tương tác có giá từ vài chục tới vài trăm triệu đồng nhưng nhiều trường đang sử dụng với tính năng không khác gì một chiếc máy chiếu, trị giá chưa đến một phần mười. Đó là chưa kể có nơi còn không sử dụng.
Ai sẽ chịu trách nhiệm trước sự lãng phí này là vấn đề cần phải đặt ra. Từ năm học 2013 – 2014, Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trương trang bị gần 1.000 bảng tương tác ở các trường mầm non và tiểu học với tổng kinh phí gần 180 tỉ đồng. Trong đó ngân sách 50%, còn lại các trường thu từ phụ huynh học sinh (HS) theo phương thức xã hội hóa. Mục đích của sự đầu tư này là nhằm hỗ trợ tối đa cho việc thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp tiếng Anh đến năm 2020”.
Giáo viên, học sinh đều mệt mỏi
|
Tuy nhiên, vì không được tập huấn bài bản về cách sử dụng loại máy đắt tiền này nên sau hơn 3 năm triển khai, nhiều giáo viên (GV) cảm thấy mệt mỏi mỗi khi đến tiết có sử dụng bảng tương tác, còn HS thì cũng chẳng tận dụng và khai thác được nhiều từ thiết bị này.
Thậm chí một GV tiểu học tại Q.1 còn tỏ ra bức xúc khi nhắc đến việc sử dụng bảng tương tác trong nhà trường vì có quá nhiều bất cập. GV này cho biết theo quy định của trường, mỗi GV phải sử dụng bảng tương tác này ít nhất 2 tiết/năm học ngoài những giờ dạy mẫu, tiết thanh tra từ các cấp ngành. GV dù không biết sử dụng vẫn phải gồng mình xoay xở.
GV này cũng khẳng định: “Việc dạy bằng bảng tương tác theo tôi không hề mang lại hiệu quả thực sự mà chỉ là làm một cách hình thức và người chịu trận không ai khác chính là GV. Soạn thì mất rất nhiều thời gian nhưng GV cũng chỉ độc diễn một mình vì với một cây bút chỉ và thời gian của tiết học kéo dài 35 phút nên HS cũng không thể tương tác”. Cũng theo GV này, nhiều đồng nghiệp còn không thể sử dụng được bảng tương tác vì chưa từng được tập huấn.
Ở các trường có điều kiện thì sẽ có một phòng dành riêng cho việc học bảng tương tác. Nhưng vì cả trường chỉ có từ 1 – 2 phòng mà hàng trăm HS xếp hàng chờ đến lượt, cho nên mỗi năm, cơ hội để HS được tiếp xúc bảng tương tác chỉ từ một đến hai lần. Một số trường không có phòng riêng thì phải di chuyển bảng tương tác tới các lớp học khi cần. Lúc này, những rủi ro như không kết nối được hoặc không gian lớp học không phù hợp, loay hoay một hồi thì coi như mất trắng cả tiết học.
Vì thế, nhiều GV chỉ có thể khai thác bảng tương tác như chức năng của một máy chiếu thông thường chứ không hề có tương tác gì.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3 cho biết: “Có khi trường đợi cả tháng nhưng không có GV nào đăng ký. Khi hỏi GV thì hầu hết mọi người đều nêu ý kiến là chưa sử dụng thành thạo nên chưa đăng ký. Khi ép thì GV miễn cưỡng sử dụng nhưng chỉ là sử dụng để trình chiếu bài giảng điện tử”.
Có GV cho rằng việc mỗi HS chỉ được học 1 – 2 tiết suốt cả năm học, khi gặp rủi ro thì coi như không được học tiết nào nên việc sử dụng bảng tương tác ở một số trường như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Một cán bộ Phòng Giáo dục Q.Bình Tân cho biết: “Tới nay cả quận đã có tổng cộng gần 40 bảng tương tác. Trong đó cấp tiểu học chiếm số lượng bảng lớn nhất là hơn 20 bảng. Điều đáng nói là các trường sử dụng bảng tương tác vào dạy học chưa thực sự phát huy hiệu quả”.
Những người đưa ra đề án có chịu trách nhiệm ?
Mới đây, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận việc buộc các trường mua bảng tương tác là thiếu thông tin từ cơ sở. “Việc giao quyền tự chủ cho các trường về tài chính, con người nhưng việc tự chủ này cũng chỉ là hình thức. Nhiều trường không hề có nhu cầu sử dụng bảng tương tác nhưng vì chủ trương chung nên phải vận động. Việc sử dụng bảng tương tác không hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của GV, của trường mà là trách nhiệm từ những người đưa ra đề án. Lẽ ra trước khi đưa ra đề án này cần có những đợt khảo sát và thống kê về nhu cầu sử dụng sau đó mới thực hiện”.
Vị lãnh đạo này còn nêu thực tế: “Việc soạn một bài giảng trên bảng tương tác hết sức tốn thời gian, trong khi một GV giảng dạy ở một trường công lập phải đối phó hết công việc này đến việc khác, nào là sổ sách, giấy tờ, phong trào này nọ, làm gì còn thời gian mà soạn bài, áp dụng? Việc áp dụng mang tính chất đối phó, GV cũng chẳng nắm rõ hết các chức năng của cái bảng và phần mềm đi kèm. Chỉ khi nào cần lên chuyên đề mới đụng vào chút chút, thử hỏi việc sắm một cái bảng trị giá bao nhiêu là tiền mà sử dụng như vậy có phải là lãng phí hay không?”.
Vị này cho rằng để có thể khắc phục sự lãng phí như hiện nay, Sở cần rà soát lại số bảng tương tác hiện có. Có chính sách đào tạo GV giỏi sử dụng những phương tiện này, khu trú vào những đối tượng HS có thể sử dụng bảng tương tác. Có như vậy mới có thể hạn chế bớt sự lãng phí từ đề án này.
Không học được bao nhiêu
Một phụ huynh có con học mầm non tại Q.5 cho biết cách đây 2 năm, hằng tháng trong thông báo các khoản thu do trường gửi, mỗi HS đều phải đóng khoản tiền bảng tương tác là 10.000 đồng/tháng. Đóng tiền thì cứ phải đóng nhưng HS hầu như không học với bảng tương tác. Một GV của trường mầm non này cũng xác nhận cách đây
2 năm, trường mới có bảng, GV chưa thành thạo, các thiết bị đi kèm chưa đủ nên HS thực sự chưa được thụ hưởng.
Bích Thanh
|
Chỉ là một “tấm bảng trắng”
Một bảng tương tác có rất nhiều chức năng như để viết, vẽ trực tiếp trên bảng, đánh dấu điều cần chú ý, có thể thu lại toàn bộ bài giảng của GV từ đầu đến cuối để lúc nào GV và HS muốn xem lại có thể đọc từ đầu. Trong bảng tương tác cũng được tích hợp phần mềm và công cụ tương tác có chức năng hỗ trợ bài giảng của GV như viết, vẽ, chèn hình ảnh, chèn video clip, bài tập tương tác… Nếu sử dụng như hiện nay thì bảng tương tác chỉ là một “tấm bảng trắng” mà thôi.
Với công nghệ hiện tại, thậm chí không cần bảng tương tác mà chỉ cần một thiết bị là có thể biến bất kỳ mặt phẳng nào mà mắt có thể nhìn được thành bảng tương tác. Mọi chức năng vẫn được đảm bảo đầy đủ.
(Một chuyên gia về công nghệ tương tác tại VN)
Đăng Nguyên (ghi)
|
Lam Ngọc (TNO)
Bình luận (0)