Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục đạo đức học sinh: Bài 2: Cần phối hợp từ nhiều yếu tố

Tạp Chí Giáo Dục

HS là chủ nhân tương lai của đất nước, vì vậy cần phải nâng cao nhận thức và hành vi đạo đức cho các em
Đi tìm nguyên nhân sự xuống cấp về mặt nhận thức và rèn luyện đạo đức của học sinh (HS), Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã thực hiện đề tài Khảo sát tác động của một số yếu tố gia đình và xã hội đến quá trình tự rèn luyện tư cách đạo đức của HS bậc THPT tại TP.HCM, do ThS. Đào Thị Vân Anh làm chủ nhiệm.
Mục tiêu của đề tài là khảo sát thực tế hành vi đạo đức và tìm hiểu các yếu tố tác động đến việc tự rèn luyện đạo đức của HS THPT tại TP.HCM. Nhóm thực hiện đề tài đã khảo sát ý kiến 934 HS, 836 phụ huynh và 210 giáo viên (GV) các trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trần Khai Nguyên, Mạc Đĩnh Chi, Trường Chinh, Trung Phú…
Đạo đức HS đang xuống cấp?
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam, năm 2008, tỷ lệ HS đi học muộn ở bậc tiểu học (TH) là 20%, THCS là 21% và THPT là 58%; tình trạng HS quay cóp ở bậc TH là 8%, THCS là 55% và THPT là 60%; thường xuyên nói dối cha mẹ ở bậc TH là 22%, THCS là 50% và THPT là 64%…
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Lê An – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho rằng việc HS đi học muộn không phải ở bản thân các em mà hầu hết HS TH và THCS đều có ba mẹ đưa rước, nếu ba mẹ đi trễ thì đồng nghĩa với việc các em đi học muộn là điều không tránh khỏi. Còn với hành vi vi phạm Luật Giao thông thì chủ yếu là ở HS THPT, còn HS TH và THCS đa số đều có bố mẹ đưa rước. Bà Lê An đưa ra dẫn chứng: “Chẳng hạn như trường chúng tôi (Trường THCS Nguyễn Du – PV), trong những năm qua không hề có một văn bản nào thông báo HS trong trường vi phạm Luật Giao thông từ Sở GD-ĐT TP.HCM gửi về”.
Những biểu hiện về suy thoái đạo đức, bạo lực học đường cũng như tình trạng vi phạm pháp luật trong HS các cấp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho mọi gia đình, nhà trường và xã hội. Qua khảo sát của nhóm thực hiện đề tài Khảo sát tác động của một số yếu tố gia đình và xã hội đến quá trình tự rèn luyện tư cách đạo đức của HS bậc THPT tại TP.HCM, phần lớn phụ huynh, HS và GV đều cho rằng tình trạng xuống cấp đạo đức của HS hiện nay cần phải báo động; trong đó, các GV có sự đánh giá nghiêm khắc hơn: 43,4% ý kiến GV cho rằng đạo đức HS đang ở mức “đáng lo ngại”, và 38,6% ý kiến cho rằng ở mức “báo động về sự xuống cấp”. Bà Trần Thị Bạch Tuyết, chuyên viên tư vấn tâm lý Trường THPT Gia Định chia sẻ: “Đúng là tình trạng đạo đức HS thời bây giờ xuống cấp hơn đạo đức HS ngày xưa. HS bây giờ có cái hay là biết tìm tòi, sáng tạo và khẳng định được bản thân nhiều hơn. Xã hội ngày càng cho HS có nhiều quyền nhưng các em lại chưa được giáo dục kỹ lưỡng để sử dụng như thế nào, vì thế một số em đã cho mình cái quyền tự-chọn-lối-sống-riêng nhưng lại đi vào hướng lệch lạc, ngược với truyền thống của dân tộc. Mặt khác, đây cũng là thời đại của sự bùng nổ CNTT, bên cạnh những thông tin bổ ích thì còn rất nhiều thông tin đồi trụy đang từng bước tiếp cận các em…”.
Bà Bạch Tuyết cũng cho rằng gia đình là nền tảng trong việc hình thành đạo đức của HS, tuy nhiên, hiện nay các gia đình chỉ có một con nên có một số phụ huynh rất nuông chiều con, muốn cái gì là được cái đó. Vì thế họ đã vô tình hình thành tính vị kỷ cho con em mình.
Chương trình học khô khan, thiếu thực tế
Quá trình tự rèn luyện đạo đức của HS là quá trình lâu dài, phức tạp và chịu tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó các yếu tố bắt nguồn từ gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, nhóm thực hiện đề tài Khảo sát tác động của một số yếu tố gia đình và xã hội đến quá trình tự rèn luyện tư cách đạo đức của HS bậc THPT tại TP.HCM đã đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy quá trình rèn luyện tư cách đạo đức của HS.
Cụ thể, qua khảo sát, nhóm thực hiện đề tài nhận ra rằng môn giáo dục công dân (GDCD) bậc THPT chủ yếu cung cấp kiến thức của triết học, còn nội dung giáo dục đạo đức thì không mang tính thực tế (chỉ có 18,1% ý kiến HS cho rằng môn GDCD tác động mạnh đến việc giáo dục đạo đức). Do đó, ThS. Đào Thị Vân Anh kiến nghị cần biên soạn lại chương trình giáo dục đạo đức cho HS THPT. Đưa nội dung chuẩn mực hành vi xã hội vào chương trình này thông qua các tình huống thực tế và hướng dẫn HS cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực hành vi xã hội, tạo cho các em có thói quen tích cực làm theo và đấu tranh với các hành vi sai lệch. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp các em có những phản ứng thích hợp trước những tác động xấu và có vai trò quan trọng trong quá trình tự rèn luyện tư cách đạo đức của mình.
Theo bà Hoàng Thị Lê An, môn GDCD ở bậc THPT (và cả ở bậc THCS), bên cạnh những nội dùng phù hợp thì cũng có một số nội dung khá khô khan như bài học liên quan đến các bộ luật, quyền hạn của con người… Vì thế, bên cạnh việc đưa những nội dung gần gũi, quen thuộc với HS vào chương trình thì GV phải thường xuyên tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp giáo dục uyển chuyển để chuyển tải nội dung bài học một cách nhẹ nhàng nhất. Chẳng hạn, khi giảng dạy về các quyền bảo vệ trẻ em, GV có thể đưa ra những hình ảnh về cảnh bạo hành trẻ em, tòa xử lý như thế nào… để các em tiếp nhận một cách sinh động nhất.
Có thể nói, gia đình là khởi đầu của việc hình thành tính trung thực, cư xử lễ phép với người lớn, quan tâm giúp đỡ người khác… ở HS. Vì vậy, ThS. Đặng Thị Mỹ Phương, thành viên nhóm thực hiện đề tài, cho rằng cha mẹ cần là tấm gương về tư cách tác phong cho con cái. Gia đình chăm sóc về vật chất nhưng cũng cần phải quan tâm đến đời sống tinh thần của các em như nhu cầu đọc sách, phim ảnh, âm nhạc, giao lưu với bạn bè…
Bài, ảnh: Dương Bình

“Muốn rèn luyện nhân cách, đạo đức HS, nhà trường nên tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tập thể để HS tham gia. Không chỉ các hoạt động ở trong trường mà còn các hoạt động về nguồn, tham quan dã ngoại…” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bình Lợi Trung (Q.Bình Thạnh) nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)