Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không cho trẻ làm việc nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có một, hai con nên trẻ thường được “nâng như trứng, hứng như hoa”, bố mẹ thường xem con như báu vật, không “dám” để trẻ động tay động chân vào việc gì, dù đó là những việc nhẹ nhàng.

Cháu gái tôi là con gái độc nhất của gia đình anh chị, hiện đã là học sinh lớp 12 rồi nhưng không biết giặt đồ, nấu cơm, quét nhà quét sân cũng không, thậm chí không biết thu dọn giường ngủ của mình luôn. Mỗi lần về thăm anh chị, thấy cháu luôn đóng kín cửa phòng, nghe tiếng điện thoại tít tít, ti vi mở suốt… nhưng nhà cửa bề bộn, mẹ giặt đồ, quét sân… Tôi hỏi sao chị không chia sẻ công việc với con gái thì chị gần như tự hào nói với tôi rằng: “Con gái chỉ có mỗi việc là ăn, học, chơi thôi. Từ việc nhỏ đến việc lớn, tất cả đều do một tay chị làm hết”. Chị một hai nhấn mạnh, để con dành thời gian học hành. Với lại chị cũng chỉ làm công việc nội trợ nên rảnh rỗi, nhà cũng có điều kiện, hồi nhỏ mình khổ quá rồi, giờ lo cho con được sung sướng là vui rồi. “Trời ơi, chị thương con như thế là làm hại con đấy!”. Tôi phải “gào” lên như thế. Bằng chứng là mỗi lần vợ chồng chị có việc đi xa, nếu phải ở lại thì chị sẽ phải chuẩn bị thức ăn trước cho con, nếu không thì cho tiền để con đi ăn quán. Nếu cứ thương con như vậy thì trẻ sẽ ỷ lại và phụ thuộc, như thế thì thật khó trưởng thành…

Nếu kể câu chuyện này ra thì mọi người sẽ không đồng tình với cách thương con thái quá của chị tôi. Nhưng có một thực tế là người lớn vẫn thường từ chối “liệu pháp” dạy trẻ làm việc nhà từ nhỏ, những công việc phù hợp với tuổi tác. Ví dụ như trường hợp tôi đây. Con trai tôi học lớp 5 rồi, tôi khuyến khích con tự tắm giặt, quét nhà, quét sân, thậm chí dạy nấu cơm, chiên trứng… Con trai tôi học những việc ấy rất nhanh và còn rất hứng thú nữa. Nhưng tôi lại bị ông bà phản ứng mạnh, quy tội mẹ như thế là đểnh đoảng, là không thương con, là “bạo hành”…

Thiết nghĩ, mọi người nên thay đổi ý nghĩ, thương con đồng nghĩa với việc không cho con làm việc nhà. Đừng nghĩ rằng dành càng nhiều sự chăm sóc cho con thì càng tốt. Thậm chí “dài tay”, không cho con một khoảng riêng tư để chúng có thời gian suy nghĩ về những gì vừa xảy ra, càng không có cơ hội trải nghiệm các khó khăn trong cuộc sống, không có cơ hội để tự khẳng định mình. Bị bao bọc như thế thì sẽ rất mất phương hướng khi cuộc sống “bắt” phải tự lập.

Tôi xin kết bằng lời khuyên của người Nhật: “Đừng cứ mãi cõng con trên lưng, mặc dù chúng muốn được cõng mãi trên lưng mẹ. Hãy tập cho chúng tự đi!”.

Nguyễn Thị

Bình luận (0)